Năng lượng hạt nhân - Triển vọng, nguy cơ và thách thức

Thế giới đang khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch như năng lượng than đá, năng lượng dầu mỏ, khí gas…. phục vụ cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của con người.

Tuy nhiên, các dạng năng lượng trên đều có hạn. Với mức tiêu dùng hiện nay, nguồn tài nguyên này được dự đoán sẽ dần cạn kệt trong vòng 50 năm tới. Vì vậy, năng lượng hóa thạch về lâu dài không thể đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng. Trong khi đó, năng lượng hạt nhân nguyên tử là nguồn năng lượng dồi dào và hiệu quả, hứa hẹn là chìa khóa giải quyết cho bài toán an ninh năng lượng thế giới trong tương lai gần. Bên cạnh những lợi ích, năng lượng hạt nhân nguyên tử cũng chứa đựng nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường thiên nhiên và hòa bình thế giới nếu được sử dụng không an toàn và sai mục đích.

Với sự hướng dẫn của thầy cô giáo bộ môn, học sinh khối 12 đã thực hiện dự án liên môn Vật lý - Sinh học - Lịch sử - Hóa học với tên gọi : “Năng lượng hạt nhân - Triển vọng - Nguy cơ và thách thức”. Dự án là vận dụng kiến thức tổng hợp của nhiều môn học để các bạn học sinh tự đánh giá xem xét, đưa ra nhận định độc lập về một vấn đề thực tiễn mang tính thời sự hiện nay: sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển bền vững. "Đóng vai trò là một nhà lãnh đạo trẻ, chúng con cần tìm hiểu, xem xét, nhận định, đánh giá và đưa ra quyết định cho câu hỏi lớn: “Nên hay không nên đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu và sử dụng năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng bền vững nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai?”", nhóm học sinh lớp 12 cho biết.

Khi nhận được chủ đề, nhiều bạn đã rất lo lắng. Để thực hiện đề tài này, các nhóm học sinh cần tìm hiểu các tài liệu chuyên sâu về ngành năng lượng hạt nhân nguyên tử, bao gồm nhiều khái niệm và thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu đối với học sinh trung học phổ thông. Với sự sắp xếp của cô Phạm Thùy Giang - giáo viên Vật lý, cả khối đã cùng tới thăm và học tập tại Trung tâm Thông tin Năng lượng Hạt nhân Nguyên tử.

Tại đây, học sinh Olympia cùng làm việc với các anh chị sinh viên Đại học Bách Khoa trên nền tảng kiến thức Năng lượng hạt nhân nguyên tử qua những mô hình thu nhỏ, hình ảnh 3D hay video trực quan. Các khái niệm vật lý phức tạp dần trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn rất nhiều so với giai đoạn mới bắt tay vào làm dự án. Công việc tiếp theo sau chuyến đi thực tế là kết nối các kiến thức đã thu thập được và hoàn thành báo cáo. Cả nhóm cũng hy vọng sẽ cùng chia sẻ và tiếp nhận thêm quan điểm của các nhóm khác trong buổi thuyết trình.

Sau cả quá trình phân tích và tìm hiểu, nhóm dự án của ba bạn Hà Phương, Hạnh Nguyên và Thục Anh kết luận: "Năng lượng hạt nhân mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống xã hội và nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều hậu quả khó lường. Tuy vậy, chúng ta vẫn nên xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân cũng như tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng năng lượng hạt nhân - phóng xạ trong nhiều mặt cuộc sống". Sử dụng nhưng không lạm dụng năng lượng hạt nhân.

Đó chính là câu trả lời mà nhóm đã thống nhất cho câu hỏi được đặt ra. Mục tiêu sử dụng năng lượng hạt nhân cần được xây dựng dựa trên nền tảng hòa bình và đảm bảo an ninh năng lượng. Điều này cần xuất phát phía những người có trách nhiệm và được giám sát từ phía chính quyền nhà nước. Bên cạnh đó, việc giáo dục về nguồn năng lượng "quý giá nhưng nguy hiểm" này là vô cùng cần thiết, giúp mọi công dân đều ý thức được trách nhiệm của mình khi sử dụng và phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn cho cộng đồng.


Dự án “Năng lượng hạt nhân - Triển vọng - Nguy cơ và thách thức” Giáo viên hướng dẫn:
  • Cô Trần Thị Thúy Liên - Trưởng khoa Tự nhiên
  • Cô Phạm Thùy Giang - Giáo viên Vật lý

 

Thời gian thực hiện: Term 3/ Năm học 2015-2016 Tác giả bài viết: Trịnh Hà Phương, Cao Hạnh Nguyên, Bùi Thục Anh (Khối 12)