Sử dụng công nghệ trong dạy học theo nhóm

  Tác giả: Cô Nguyễn Hồng Duyên – Phó HT THPT Olympia Trong xu thế đất nước hội nhập quốc tế, xã hội đòi hỏi con người có khả năng thích nghi, bộc lộ quan điểm, giá trị riêng cùng với việc hợp tác, làm việc nhóm, biết giải ...

 

Tác giả: Cô Nguyễn Hồng Duyên – Phó HT THPT Olympia

Trong xu thế đất nước hội nhập quốc tế, xã hội đòi hỏi con người có khả năng thích nghi, bộc lộ quan điểm, giá trị riêng cùng với việc hợp tác, làm việc nhóm, biết giải quyết vấn đề trong các tình huống khác nhau của đời sống... Tại các nhà trường, hoạt động cùng nhau, hoạt động hợp tác giữa thầy và trò, hoạt động hợp tác giữa trò và trò có một tác dụng lớn giúp phá vỡ lối dạy học một chiều, thu hẹp sự áp đặt của nhà giáo thành sự hợp tác bậc cao và đa chiều. Lớp học, trường học chính là môi trường xã hội thu nhỏ để học trò được bộc lộ mình.

IMG_4226

 

Dạy học theo nhóm đã trở thành một hình thức dạy học càng ngày càng phổ biến tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nó còn trở thành một điểm nhấn quan trọng trong mô hình trường học mới VNEN. Tuy nhiên, việc dạy học theo nhóm còn tồn tại nhiều hạn chế hoặc bị giới hạn trong thực tế triển khai do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Giải pháp nào cho những hạn chế ấy? Bài viết sẽ chia sẻ một số phương án dạy học và công cụ công nghệ thông tin để giúp khắc phục tối đa các vấn đề đó. Tâm lý học hoạt động khi nghiên cứu bản chất tâm lý người đã chỉ ra rằng tâm lý hình thành trong hoạt động, chỉ có hoạt động mới giúp con người nói chung, học sinh nói riêng hình thành phẩm chất, nhân cách bên cạnh các kiến thức và kĩ năng, kĩ xảo.

 

 

Nguồn tài nguyên, lượng kiến thức, kĩ năng và cảm xúc… được nhân lên trong cộng đồng nhóm, mang lại những liên kết hữu cơ giúp giải quyết các nhiệm vụ lớn mà một cá nhân học sinh không thể làm được, đặc biệt dạy học nhóm phù hợp với các phương pháp, kĩ thuật dạy học đòi hỏi tính phối hợp cao như dạy học dự án, liên môn, dạy học di sản, dạy học hợp đồng, dạy học theo góc, mảnh ghép, bể cá vàng… Tuy nhiên, việc dạy học theo nhóm bộc lộ những thực trạng cần được xem xét.

Thứ nhất, ở nhiều trường học, nhiều giáo viên hiện nay dạy học theo nhóm chưa hiệu quả, còn mang nặng tính chất hình thức và có tính trào lưu, chưa phân biệt học nhóm và họp nhóm. Nói khác đi là dạy học với những nhóm giả. Học sinh ngồi thành các cụm, các nhóm với nhau nhưng không đủ thời gian tương tác, không được giao việc cụ thể, giáo viên tung vấn đề không có vấn đề khiến cho học trò có cơ hội để “họp” với nhau, chỉ có một số nhỏ cá nhân làm việc, kết quả của nhóm là kết quả của những cá nhân xuất sắc hơn. Lớp học sẽ lộn xộn và việc đánh giá thiếu công bằng. Do vậy, các giáo viên cần được đào tạo bài bản về quy trình dạy học theo nhóm chặt chẽ hơn.

Thứ hai, các hạn chế do khách quan. Quan niệm dạy học theo nhóm hiện nay mới tập trung ở hình thức dạy học theo nhóm nhỏ (nhóm đôi, nhóm 4-6 người) mà chưa có nhiều nghiên cứu hướng dẫn cho giáo viên về việc dạy học theo nhóm lớn hoặc xử lý dạy học nhóm trong một lớp có sĩ số lớn. Thực tế lớp học có trung bình từ 35-50 học sinh, giáo viên chia lớp một cách cơ học từ 6-8 nhóm, cho 1-2 nhóm làm nhanh, làm tốt để chữa mẫu, các nhóm còn lại nộp kết quả, có so sánh, đánh giá chéo. Cách làm này, nếu triển khai được đã là một sự nỗ lực đáng ghi nhận của giáo viên. Nhưng nếu có làm đến tối đa nó vẫn chứa đựng những hạn chế lớn như: giáo viên vô cùng vất vả (sẽ cần đến nhiều điều kiện, phương tiện công cụ như bảng phụ, nam châm, phiếu bài tập, bàn ghế dễ di động, mất nhiều công sức để quản lí lớp, mất nhiều thời gian thu chấm, chữa bài); học sinh thiếu cơ hội được tương tác trực tiếp (chỉ làm được điểm mà không làm được diện, phần nhiều là chữa lại bài theo mẫu, ít thời gian để suy nghĩ cá nhân); cách đánh giá thiếu công bằng (khó đánh giá quá trình làm của cá nhân); khó dẫn đến mục tiêu nếu các nhóm ra các kết quả làm việc đối nghịch, nhiều mâu thuẫn (không đủ thời gian chữa, thống nhất)… Nếu không phải dạy mẫu, dạy chuyên đề hay thi giáo viên giỏi, liệu giáo viên có duy trì thường xuyên được hình thức này trong thực tế lớp học của mình? Các hạn chế này sẽ có các phương án nào để giải quyết?

Trước hết, giáo viên hãy xoá bỏ tư duy chia lớp một cách cơ học để rồi vỡ kịch bản dạy học của mình. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những nhóm học tập lớn với những nhiệm vụ học tập được thiết kế trên một câu hỏi lớn của bài học. Nói khác đi, cần phải tạo ra một quy trình thiết kế ngược để lập kế hoạch bài dạy của mình. Câu hỏi lớn này chính là nhiệm vụ vận dụng và sáng tạo ở bậc cao nhất đẩy học sinh đến những thách thức phải giải quyết trong tình huống có tính thực tiễn.

Từ đó, giáo viên phân tách thành các nhiệm vụ nhỏ hơn cho các nhóm thực hiện để tạo ra các mảng hoạt động khác nhau. Ví dụ: Môn Địa lý lớp 11, trong bài “Một số vấn đề toàn cầu”, phần “Biến đổi khí hậu”, câu hỏi lớn đặt ra là: Con người phải làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay? Các câu hỏi nhỏ sẽ là: Biến đổi khí hậu là gì? Nguyên nhân? Hiện trạng? Hậu quả? Các giải pháp? Dựa trên đặc thù điều kiện của trường lớp, đối tượng học sinh và đặc điểm của nội dung kiến thức cần đạt, giáo viên sẽ chia lớp thành các nhóm để hoàn thành các câu hỏi đó bằng những cách khác nhau. Tuy nhiên, thay vì việc cho các nhóm thảo luận và trình bày lần lượt các vấn đề trên, chúng ta có thể sử dụng hình thức dạy học hỗn hợp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để có thể khắc phục tối đa những hạn chế của dạy học nhóm.

Ngày 5/12/2015, trường THPT Olympia đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo về phương pháp dạy học Blended learning – dạy học đa phương thức hay còn gọi là dạy học hỗn hợp. Phương pháp này là sự kết hợp giữa việc học tương tác tại lớp học truyền thống, với việc học qua hệ thống online gồm 4 mô hình: hoán đổi (trạm học tập, hoán đổi lớp học, lớp học đảo ngược, quay vòng cá nhân), mô hình linh hoạt, mô hình A La Carte, mô hình lớp học ảo nâng cao.

Ở đây tôi sẽ giới thiệu cách dạy học hoán đổi trạm: Station Rotation – một trong những mô hình dạy hỗn hợp đang được triển khai phổ biến ở Olympia. Quay lại ví dụ ở môn Địa lý lớp 11, bài “Một số vấn đề toàn cầu”, mục “Biến đổi khí hậu”, học sinh sẽ được chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm làm việc 10 phút, sau 10 phút được đổi trạm.

Trạm 1: Đọc tài liệu (SGK, tư liệu của giáo viên) trả lời cho câu hỏi: Biến đổi khí hậu là gì? Nguyên nhân?

Trạm 2: Tra cứu thông tin, trả bài trên Google Classroom: Hiện trạng và hậu quả của biến đổi khí hậu?

Trạm 3: Thảo luận nhóm, tranh biện: Các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay?

Bài tập tổng kết: Học sinh làm bài thu hoạch cho vấn đề chung: Con người phải làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay?

Cách dạy học này sẽ giúp học sinh được tạo ra sản phẩm học tập từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, được học tập một cách có qui trình, kế hoạch và có trách nhiệm. Một trong những công cụ hỗ trợ việc quản lí, tương tác trong day-học online mà tôi muốn đề cập tới ở đây là Google Classroom. Tuy mới xuất hiện (có mặt từ tháng 5/2014), nhưng Google Classroom đã tỏ rõ những ưu điểm của mình và ngày càng được ứng dụng nhiều trong các nhà trường. Đây là một ứng dụng miễn phí và thực sự rất dễ triển khai. Thêm vào đó, việc tích hợp với một loạt các công cụ quen thuộc của Google: Google Forms, Drive, Gmail, Youtube đã khiến cho Google Classroom thực sự có một “nền tảng hậu thuẫn” rất lớn để triển khai việc dạy học. Trong công cụ này, giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau qua các hoạt động chính: đưa thông báo, tạo câu hỏi, giao bài tập.

Các câu hỏi, các bài tập, bài viết của học sinh được lưu trữ theo thời gian gửi hoặc theo file cá nhân. Khi vào “lớp học Google”, các con có thể theo dõi một cách hệ thống các bài làm, hướng dẫn của giáo viên, thậm chí tham khảo các bài viết hay của các bạn khác để cùng xây dựng một kho dữ liệu chung. Trong không gian lớp học online này, khi giáo viên tạo câu hỏi và thiết lập một cuộc trao đổi thì học sinh có thể trả lời trực tiếp và nhận xét lẫn nhau tạo nên một vòng tương tác mở. Nhờ tính năng lưu giữ chính xác thời điểm, thời gian hoạt động của người dùng nên việc kiểm định các nhiệm vụ trở nên có đầy đủ căn cứ xác thực.

Công việc quản lí, đánh giá, chấm điểm và lưu trữ của giáo viên trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều và giảm thiểu các giấy tờ in ấn, tiết kiệm tài nguyên. Không còn câu chuyện của việc học sinh quên sách vở, bài tập ở nhà, đánh mất phiếu… Với cách dạy học theo trạm, sự hỗ trợ của Google Classroom, giáo viên có thể tổ chức dạy học nhóm với sự chuẩn bị trước các nguồn tài nguyên ở nhà hoặc trực tiếp tại trường, được đánh giá chính xác và khoa học kết quả làm việc của cả nhóm và của từng cá nhân, do đó những hạn chế của dạy học nhóm hoặc khó khăn về việc sĩ số lớp đông sẽ bị loại bỏ. Điều này được thực hiện không quá phức tạp, chỉ cần giáo viên và học sinh có một tài khoản Google và có thiết bị máy tính là được.

Nếu học sinh không có máy tính để làm các bài tập trước khi đến lớp, chỉ cần trang bị đủ máy cho một trạm học tập và sử dụng mô hình hoán đổi trạm, 100% các em có thể được tiếp cận cách học trực tuyến và trả bài ngay trên lớp. Đương nhiên không có phương pháp dạy học, công cụ dạy học nào là tuyệt đối hoàn hảo.

Ở đây chúng tôi muốn giới thiệu một mô hình dạy học hỗn hợp và công cụ Google Classroom như một cách tiếp cận mới để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong thực tiễn dạy học theo nhóm tại các nhà trường hiện nay. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm dạy học theo các phương pháp mới đang được thử nghiệm và thực hành tại Olympia và học tập từ các trường bạn để có được những diễn đàn trao đổi chuyên môn hữu ích và mới mẻ.

img_3937

* Trên đây là bài tham luận của cô giáo Nguyễn Hồng Duyên - Phó HT THPT Olympia tại hội thảo: "Kỹ năng đặt câu hỏi và tổ chức hoạt động nhóm" ngày 09/01/2015. Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT và các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đến từ các trường THPT Olympia, THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Hoàng Cầu.