Ngăn bạo lực, xâm hại học sinh: Bắt đầu bằng tôn trọng quyền trẻ em

Thời gian qua xảy ra liên tiếp các vụ bạo lực học đường khiến dư luận bức xúc. Nguyên nhân đến từ việc giáo viên không tôn trọng quyền trẻ em, hoặc chưa có kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm, đặc biệt khi học sinh mắc lỗi.

Trước bối cảnh này, Trường Phổ thông liên cấp Olympia vừa phối hợp với ĐH Lund (Thụy Điển) tổ chức hội thảo "Quyền trẻ em trong quản trị trường học và quản lý lớp học". Hội thảo có sự tham dự của Phó Đại sứ Thụy Điển, đại diện UNESCO, Sở GDĐT Hà Nội và giáo viên, lãnh đạo các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội.

Học sinh cần được bày tỏ chính kiến

Tại hội thảo, nói về quyền trẻ em, GS Per Wickenberg (Đại học Lund, Thụy Điển) bày tỏ sự thú vị khi biết Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20.2.1990. Về mặt pháp lý liên quan đến vấn đề này, Việt Nam đã đi khá xa so với các nước trên thế giới.

Ông cũng dẫn lại Điều 12 Công ước quyền Trẻ em của Liên Hợp Quốc để nhấn mạnh quyền được lên tiếng của trẻ em, mọi hành vi xâm hại thân thể của trẻ đều bị nghiêm cấm.

GS. Per Wickenberg (Đại học Lund). 

Cùng quan điểm, PGS Mans Svensson – Giám đốc Viên Nghiên cứu môi trường và an ninh kinh tế (ĐH Lund) – cũng khẳng định: Cần xây dựng cho trẻ tư duy phản biện để các em không bị áp đặt, được bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan đến mình, kể cả việc kỷ luật khi học sinh mắc lỗi.

Trước những chia sẻ trên, cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) nêu tình huống: Thực tế có giáo viên cho rằng, khi họ cho học sinh có cơ hội phản biện thì giáo viên sẽ không dạy được hết bài trong giờ.

Tiếp đó, khi học sinh vi phạm nội quy trường lớp, giáo viên nên làm gì để không xâm phạm quyền trẻ em, khi mọi hành vi đánh đập, đều là vi phạm pháp luật.  

Cô nêu tình huống một số trường ở Việt Nam áp dụng hình phạt với học sinh để đại biểu cùng thảo luận. Ví dụ, nếu học sinh mắc lỗi đi học muộn, các em hoặc bố mẹ sẽ bị phạt tiền.

Về điều này, Thạc sĩ Andreas Mattsson – giảng viên nghiên cứu truyền thông, Đại học Lund tỏ ra khá ngạc nhiên. Ông cho biết ở Thụy Điển không áp dụng việc phạt tiền học sinh, hay bố mẹ các em khi học sinh mắc lỗi. Các giáo viên thường áp dụng hình phạt bêu học sinh ra trước lớp, gọi là hình phạt “làm cho xấu hổ”.

Phản biện lại điều này, một số giáo viên Việt Nam cho rằng việc phạt học sinh như vậy cũng không nên. Đa phần các giáo viên tham dự tọa đàm đều đồng tình với việc nên áp dụng hình thức kỉ luật tích cực với học sinh.

Một trong những phương pháp giáo dục hiệu quả nhất thay cho những hình phạt đó là xây dựng nội quy chung trong lớp, học sinh vi phạm sẽ bị nhắc nhở bằng nội quy. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, phối hợp với giáo viên trong việc hình thành bản thân của học sinh. Bên cạnh đó, học sinh sẽ được nói lên suy nghĩ của mình qua hình thức phản biện.

Giáo viên tham dự được chia thành các nhóm để thảo luận. 

Giáo viên hãy học cách tôn trọng, lắng nghe học sinh

Cũng tại buổi hội thảo, các giáo viên và chuyên gia tham dự đã cùng thảo luận, để tìm ra các giải pháp bảo vệ quyền trẻ em trong trường học.

Theo cô Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hà Nội), để đảm bảo quyền trẻ em, giáo viên cần phải thay đổi suy nghĩ, tư duy để có cách ứng xử công bằng, tôn trọng học sinh. Giáo viên cũng nên thường xuyên cập nhật việc điều chỉnh hành vi, thái độ, phương pháp dạy học và cách đánh giá học sinh.

“Vấn đề tăng khen giảm chê, tăng thưởng giảm phạt là một vấn đề cần phải lưu ý với các nhà trường. Học sinh vốn thích khen, thích động viên nên hình thức khen thưởng, động viên trong nhà trường cần phải tăng cường, giảm các hình phạt không cần thiết”- cô Phương Anh nêu giải pháp.

Một số đại biểu khác chỉ ra thực tế, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều giáo viên đang giảng dạy tại các trường không biết về quyền trẻ em. Bởi vậy, các trường sư phạm cần giảng dạy cho các sinh viên về quyền trẻ em và khi thi tuyển giáo viên cũng cần bổ sung những nội dung về quyền trẻ em. Việc này phải thực hiện thực chất chứ không phải hô khẩu hiệu, mang tính hình thức.

Ngoài ra cần xây dựng môi trường minh bạch, có tính giải trình, bởi chính nó tạo nên sự yêu nghề, yêu trẻ, hay những đóng góp sáng tạo của giáo viên trong môi trường giáo dục.

Các giáo viên cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét  các chế độ, đảm bảo cuộc sống cho giáo viên, để thầy cô giảm áp lực, yên tâm công tác.

KHÁNH LINH