Cha mẹ có thể nói chuyện với con về sự thay đổi ngoại hình như thế nào ở tuổi dậy thì?

Lứa tuổi vị thành niên đánh dấu sự thay đổi bước ngoặt về mặt ngoại hình của trẻ. Cơ thể lớn hơn, đồng nghĩa rằng sự quan tâm về mặt ngoại hình của con cũng trở nên lớn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, những đề tài liên quan tới hình ảnh cơ thể luôn là đề tài được học sinh thảo luận với nhau, và lúc này có thể sẽ xuất hiện những sự miệt thị, trêu đùa không đáng có. Bị miệt thị về ngoại hình có thể gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc, nhất là trong giai đoạn trẻ đang xây dựng hình ảnh bản thân cho mình.

Gần đây, đó cũng là chủ đề nóng được học sinh quan tâm, đó là sự tồn tại của các group chat quanh chủ đề này hoặc tương tự ở các trường phổ thông, trường Olympia cũng không ngoại lệ.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc tham gia của các yếu tố như nhà trường, bạn bè, truyền thông và đặc biệt là gia đình có những ảnh hưởng rất lớn tới trẻ. Ở trường, thông qua hoạt động giáo dục, workshops và tư vấn, các con cũng đã được tiếp cận đến hiện tượng xã hội này hướng tới những hành động để đảm bảo an toàn
Với phụ huynh, dưới đây là một vài gợi ý từ Phòng Tham vấn Tâm lý học đường của Nhà trường dành cho bố mẹ tham khảo trong quá trình hỗ trợ con.

1/ Giải thích về ảnh hưởng của quá trình dậy thì
Hãy trao đổi để chắc chắn con hiểu rằng: việc thay đổi nhanh chóng về mặt cơ thể (tăng cân, da có mụn,…) là một phần bình thường trong sự phát triển của chúng.
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng để mở đầu những câu chuyện này với con. Bố mẹ có thể sử dụng quy trình ba bước dưới đây để bắt đầu cuộc trò chuyện:

  • Tìm hiểu những gì con đã biết. Ví dụ bố mẹ có thể hỏi "Con có được học về quá trình dậy thì và những thay đổi về thể chất trong các lớp học ở trường không? Các thầy cô đã giới thiệu về những gì rồi?”
  • Cung cấp cho con thông tin chính thống, sửa lại các thông tin sai lệch. Ví dụ như “Mọi người đều trải qua những thay đổi này, nhưng có thể sẽ ở những thời điểm khác nhau với tốc độ khác nhau.”
  • Sử dụng cuộc trò chuyện như một cơ hội để nói về các giá trị.

Đôi khi, bố mẹ có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện bằng cách chọn một cảnh trong phim, chương trình TV, hoặc một cuốn sách mà con vừa đọc. Khi dậy thì, con có thể muốn có nhiều sự riêng tư hơn cho bản thân, bố mẹ hãy để ý tới những khoảnh khắc con cởi mở để chủ động trò chuyện.

2/ Trao đổi về các thông điệp truyền thông
Hiện nay, các chương trình truyền hình, phim ảnh, video âm nhạc,… đang gây ảnh hưởng rất lớn tới cách các con nhìn về thế giới. Ở đâu đó, truyền thông có thể đang ngầm gửi thông điệp: chỉ một loại cơ thể mới được chấp nhận và duy trì vẻ ngoài hấp dẫn là mục tiêu quan trọng nhất. Bố mẹ sẽ cần lưu tâm về những gì con đang đọc hoặc xem, và chủ động thảo luận thẳng thắn về nó. Ví dụ, bố mẹ có thể giải thích cho con rằng các hình ảnh thường được xử lý kỹ thuật số để mọi người trông “đẹp hơn so với thực tế”.

3/ Lưu ý việc sử dụng Internet và các mối quan hệ bạn bè
Thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh của mình và nhận phản hồi từ người khác. Hãy khuyến khích con chia sẻ và thảo luận với bố mẹ về những gì con thấy trên mạng xã hội, để chủ động đảm bảo an toàn cho con.

4/ Trao đổi với con về hình ảnh cơ thể
Cho con biết rằng cơ thể khỏe mạnh có những hình dạng khác nhau. Hãy hỏi con những gì con thích về bản thân, và đồng thời cho con biết những gì mà bố mẹ yêu thích ở con. Sự tôn trọng và chấp nhận sẽ giúp con nâng cao lòng tự trọng và khả năng phục hồi.

5/ Sử dụng ngôn ngữ tích cực
Thay vì nói: “Béo sẽ có hại cho sức khỏe của con đấy.”
Hãy nói: “Trọng lượng là một cách để đánh giá sức khỏe của con. Ngoài ra sẽ có cả huyết áp, đồ ăn con ăn và thời gian con ngủ nữa.”
Thay vì nói: “Người kia thật là béo.”
Hãy nói: Người đó có thể lớn hơn chúng ta, nhưng mỗi người sẽ có những kích cỡ khác nhau và điều đó ổn.”
Thay vì nói: “Con không nên ăn thứ đó.”
Hãy nói: “Chúng ta xem thử xem có lựa chọn nào khác trong hôm nay không nhé?”

Thay vì nhận xét con, hãy khuyến khích con tập trung vào chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì vận động thể chất. Một hình ảnh cơ thể khỏe mạnh rất quan trọng trong việc xây dựng lòng tự trọng của con trong tương lai. Vì vậy, không khuyến khích gia đình và bạn bè sử dụng những biệt danh, lời nói đùa gây tổn thương tới con.

6/ Phối hợp với Nhà trường
Sẽ có một số dấu hiệu cho thấy con bạn đang tập trung quá nhiều vào cơ thể, hoặc có sự lo lắng và căng thẳng về ngoại hình của mình. Con có thể biểu hiện điều này thông qua việc:

  • Chỉ trích cơ thể của mình - ví dụ, chúng có thể nói rằng “Mình thật xấu xí.”
  • Liên tục so sánh cơ thể của mình với người khác
  • Không muốn ra khỏi nhà vì vẻ ngoài của mình
  • Không hoạt động hay thử những điều mới vì mặc cảm cơ thể
  • Ám ảnh về việc giảm cân, hoặc về các bộ phận cụ thể của cơ thể
  • Dành nhiều thời gian nhìn vào gương hoặc chụp ảnh, và tập trung tìm kiếm những điểm không hoàn hảo trên cơ thể
  • Không ăn vì cảm giác tội lỗi với cơ thể

Trong trường hợp gia đình nhận thấy con đang cần sự giúp đỡ,  bố mẹ hãy chủ động liên lạc với Giáo viên hoặc Cán bộ Tâm lý học đường để nhận được sự hỗ trợ kịp thời và cần thiết.


Tài liệu tham khảo:
https://raisingchildren.net.au/pre-teens/development/puberty-sexual-development/puberty-helping-your-child

https://raisingchildren.net.au/pre-teens/healthy-lifestyle/body-image/body-image-teens#:~:text=A%20positive%20or%20healthy%20body,their%20body%20size%20or%20shape.