Học sinh "lớn lên" như thế nào sau những ngày trải nghiệm ở trường?

Chương trình trải nghiệm cuối năm với các hoạt động củng cố kiến thức thông qua trải nghiệm sinh động của các môn STEAM, nghệ thuật, thể chất, ngôn ngữ luôn là một niềm mong chờ với các bạn nhỏ Tiểu học trong 4 tuần qua. Các bạn học tập và cùng nhau lớn lên, "đong đầy" không chỉ kiến thức mà còn cảm xúc, băng qua không chỉ những cảm xúc tích cực mà còn là cùng nhau giải quyết những điều tiêu cực, những sự cố vô tình xảy đến.

Đó là khi các bạn biết cảm thông hơn với các cô bác tạp vụ khi thử đi lau những vết sơn do mình gây ra; là khi cùng nhau giải quyết vấn đề khi có một bạn khóc; là khi chia sẻ và nhường nhau những thành quả lao động của mình. Như tất cả những điểm số mà chúng tôi ghi nhận các em hàng ngày, những câu chuyện như thế khiến cả tập thể giáo viên một lần nữa xúc động và được cổ vũ nhiều biết bao. Nó chứng minh rằng, dù là sự tiến bộ, nỗ lực và trưởng thành của học sinh ở góc độ nào (học tập hay ý thức, nhân cách), tất cả đều được ghi nhận tại đây.
 
Dưới đây là một vài câu chuyện được kể lại bởi giáo viên, bởi những người quan sát và đồng hành chăm chú cùng các bạn trong suốt 4 tuần. 
 
1. Ngày trải nghiệm của môn Tiếng Việt: Đỗ Dũng mắt đỏ đỏ ướt ướt hớt hải đi vào bảo với cô Thùy Ninh, giáo viên chủ nhiệm của mình rằng: "Cô ơi, con thương các bác tạp vụ quá." Dũng ngồi vào vòng tròn tái hiện, nói một mạch, cả lớp im thin thít nghe. Dũng kể lại rằng: "Con vào nhà vệ sinh thì thấy bồn rửa tay toàn vết sơn acrylics, thế là con thử lau xem thế nào, mà con lau mãi không sạch cô ạ. Giờ con mới hiểu là các bác tạp vụ phải khổ như thế nào rồi. Và con cũng hiểu vì sao cô bảo với bọn con hạn chế dùng sơn." Cả lớp nghe xong, ai cũng gật gù.
 
Cô Thùy Ninh cũng kể thêm rằng "Trong ngày trải nghiệm môn kịch Tiếng Anh, sự chuyên nghiệp của các bạn ấy thực sự làm mình kinh ngạc và tự hào. Khi nhận được nhiệm vụ, không lao vào làm ngay, các bạn ấy họp nhóm, bầu ra nhóm trưởng, thư kí và mô tả công việc cho 2 vị trí đó. Sau đó, cả nhóm lần lượt, từng người đưa ra ý tưởng, quan điểm dưới sự điều phối của nhóm trưởng. Hôm đấy, không ai bảo ai, Tuấn Minh được làm thư kí với một câu nói chắc nịch từ phía các bạn: "Tuấn Minh giỏi ghi chép 1 cách khoa học và ai đọc cũng hiểu cô ạ." Sau câu nói đấy, em thấy mắt Minh sáng long lanh và viết rất chỉn chu biên bản. Sau đó, cả nhóm phân công công việc, hẹn nhau giờ kết thúc. Trong lúc làm, nhắc nhau không để bôi màu ra sàn, đứng cách nhau để không va chạm... Và cứ thế, việc ai người đó làm, tuyệt nhiên không tranh cãi, không tị nạnh. Đến cuối cùng, mỗi người dọn một thứ, Đỗ Dũng và Tuấn Minh chọn việc lau sạch chỗ sơn, một cách đầy kiên nhẫn.
 

 

Cô Phương Anh, giáo viên Mỹ thuật cũng kể lại về Gia Bách và Gia Huy (3A3) với hành động dọn dẹp rất đáng ghi nhận. "Không dấu vết" - dọn dẹp sạch sẽ đồ dùng của mình trước khi kết thúc tiết học - là một tiêu chí quen thuộc với bất kỳ hoạt động nào của học sinh Tiểu học. Với một lớp học Mỹ thuật, tiêu chí này luôn được thực hiện vất vả hơn bởi nhiều đồ dùng phức tạp và khó sắp xếp hơn. Khi đó, rất nhiều bút vẽ dính keo và khó rửa. Nhưng Gia Bách và Gia Huy đã tự nguyện kiên nhẫn rửa bút sau giờ rất vui vẻ.
 
 
2. Đến cuối ngày, trong khoảng thời gian chiêm nghiệm sau một ngày dài làm sản phẩm tái chế và đem bán cho dự án Hành trình xanh, cô giáo đã hỏi các bạn ấy về việc tiêu tiền kiếm được như thế nào. 
Mai Linh có kể rằng, bà bạn ấy bị ốm và Linh sẽ dùng hết số tiền đó để bà mua thuốc. 
Trung Hải đã đến trước mặt Mai Linh và nói "Cậu cầm lấy tiền, biếu bà mua thuốc nhé" (đó là toàn bộ số tiền Hải kiếm được). 
Một lúc sau, Mai Linh chạy lại chỗ Trung Hải và nói: "Tớ bảo, nhà cậu có em bé, cậu mang về mua quà cho em ý."
Sau đó, cả 2 bạn đều xúc động, Hải còn rưng rưng nước mắt.
 
Các hoạt động học tập và trải nghiệm tại Tiểu học Olympia đều được thiết kế nhằm củng cố tính tự lập - tự chủ cho học sinh. Để làm được điều đó, các hoạt động đều được tổ chức và biên soạn kỹ càng, cho học sinh thời gian để trải nghiệm sâu, thực sự đắm mình và tận hưởng trọn vẹn việc học tập tại trường.