“Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc” – Dự án tích hợp liên môn hướng tới gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Với nhịp sống hiện đại ngày nay, con người chúng ta đang quá mải mê trong vòng xoáy công việc để lo cho hiện tại và tương lai, đôi khi chúng ta đã chìm đắm trong bận rộn mà quên đi những khoảnh khắc đáng quý để nhìn lại quá khứ.

Và chúng mình, cũng không phải ngoại lệ. Ở lứa tuổi này, hằng ngày đi học, chúng mình chỉ chú tâm vào học hành, thi cử để chuẩn bị cho tương lai và lãng quên những điều đã làm nên xã hội mà mình đang sống, quên đi những gì quan trọng đã góp phần hình thành và uốn nắn thành chúng mình của ngày hôm nay. Có câu nói, “Một thế hệ bỏ quên lịch sử thì không có quá khứ và tương lai”. Chúng ta lớn lên từ lịch sử. Qua việc tìm hiểu về những sự kiện xảy ra trong quá khứ, thậm chí là ngày hôm qua, ta cũng đã học được và biết hơn cho ngày hôm nay. Ta cần hiểu biết được những người đi trước đã trải qua những gì để ta biết trân trọng hơn những điều ta có hôm nay. Hiện tại, ta chuẩn bị hành trang cho tương lai, nhưng chúng ta cũng đang quên rằng chính quá khứ là nền tảng cho ta tất cả ở ngày hôm nay.

Vì vậy sự ra đời của dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc” là một cơ hội vàng để chúng mình vừa học Văn học, Lịch sử, Âm nhạc, Mỹ thuật... vừa tìm hiểu về văn hoá dân gian, trên tất cả, là được tìm về nguồn cội của bản thân chúng mình. Dự án này, chúng mình tìm hiểu về bản sắc văn hoá của những tộc người khác nhau, những vùng miền khác trên đất nước - đặc biệt là người Mường ở Hoà Bình, những giá trị văn hoá nghệ thuật cổ xưa, để qua đó chúng mình sẽ có hiểu biết hơn về cội nguồn của mình. Dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc” đã được triển khai từ tháng 9 năm 2019. Trong thời gian thực hiện, chúng mình đã trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tìm hiểu về văn hoá, khám phá những điều thú vị từ ẩm thực, kiến trúc, tín ngưỡng... trong đời sống văn hóa của người Mường. Không dừng lại ở tìm hiểu các sử thi thần thoại Mường tại lớp học, khối 10 còn được tham gia chuyến học tập trải nghiệm tới Mường Bi - Hòa Bình để tham quan Bảo tàng văn hóa Mường và gặp gỡ những người dân ở xứ Mường.

Biểu diễn trang phục người Mường và người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ xưa 

Tiếp nối chặng đường về xứ Mường, điểm dừng lại tiếp theo, giai đoạn 2 của dự án này chính là Nghệ thuật sân khấu dân gian Tuồng và Chèo và những nét đặc sắc trong nền văn minh Đại Việt ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Trong quá trình học về những loại hình nghệ thuật này, khối 10 đã được các cô giáo giới thiệu trên lớp học. Chúng mình cũng có cơ hội được gặp mặt và giao lưu với Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng - Giảng viên khoa Ngữ văn - Trường Đại học sư phạm Hà Nội để lắng nghe sâu sắc hơn về loại nghệ thuật này. Thú vị và đặc biệt hơn, cả khối đã có buổi đi xem Chèo và giao lưu với các nghệ sĩ Chèo rất ý nghĩa tại Nhà hát Chèo Việt Nam.

Nếu thật lòng để nói, chúng mình xin thú nhận rằng ban đầu cả khối cảm thấy dự án này khá là phức tạp và nhàm chán vì lượng thông tin dồn dập và phải tìm hiểu về những thứ mà quá xa so với cuộc sống hiện tại. Nhưng dần dần, qua những chuyến trải nghiệm, buổi xem kịch đặc sắc, những bài giảng đáng nhớ, chúng mình đã tìm thấy giá trị cũng như mối liên kết giữa bản thân với dự án này.

Tự tin trình diễn trang phục do chính các bạn thiết kế và làm bằng vật liệu tái chế

Chúng mình cảm thấy yêu mến sự chân chất của những người dân xứ Mường, đồng thời là cảm xúc ngưỡng mộ, sẻ chia, cảm phục với những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu Tuồng và Chèo. Làm sao họ có thể nhớ nhiều câu thoại như vậy? Làm sao mà họ có thể sống với đam mê đó để bảo tồn và lưu giữ được cho đến ngày hôm nay? Giờ đây, cả khối 10 cảm thấy vô cùng xúc động được thể hiện những gì đã được tiếp nhận trong suốt quá trình thực hiện dự án bằng buổi báo cáo sản phẩm học tập diễn ra ngày 10/07 tại Nhà Diều. Cho tới hôm nay, tất cả các bạn tự hào trả lời câu hỏi: “ Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?”

Xuyên suốt quá trình thực hành dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc”, cả khối đã chung tay thiết kế nên những sản phẩm trưng bày và đồng thời là sản phẩm văn viết về văn hóa dân gian của người Mường và người Việt. Chúng mình không tự tin rằng những sản phẩm được trưng bày ở triển lãm này sẽ là đẹp nhất, hay nhất, nhưng chúng mình tin rằng chắc chắn các nhà thiết kế, những nghệ sĩ, những người mẫu, những nhà biên kịch, đạo diễn, nhạc công, “hoạ sĩ” và “nhà văn”... đến từ khối 10 cùng với sự giúp đỡ tận tình từ các thầy cô đã đầu tư 100%  tâm sức và sự cố gắng vào những sản phẩm này.

Trích đoạn kịch “Nghêu, Sò, Ốc, Hến" mà chúng mình biểu diễn về nguyên bản là một vở Tuồng cổ. Tuy nhiên, nghệ thuật Tuồng thực sự khó, kinh điển và có sự đòi hỏi cao về chất lượng nghệ thuật. Vì vậy, chúng mình, đã học và tiếp nhận cũng như sáng tạo lại tác phẩm này theo một hình thức cải tiến nhất, linh hoạt nhất là Kịch, vì vậy, chúng mình đã chuyển thể hình thức của vở Nghêu Sò Ốc Hến sang thể loại Kịch nói.

Cũng trong buổi báo cáo sản phẩm, chúng mình cũng biểu diễn một trích đoạn ngắn của vở chèo “Xúy Vân giả dại” (trích vở chèo “Kim Nham"). Đây là một tác phẩm xuất sắc phản ánh lại khoảng thời gian trong lịch sử Việt Nam khi có những vị quan tham nhũng trong triều đình, định kiến về thân phận của người phụ nữ và những góc tối khác của xã hội cũ.

Thành công lớn nhất của buổi báo cáo sản phẩm tất cả các thành viên khối 10 đã cùng nhau làm những điều tưởng như là không thể làm được. Chúng mình chính là những người lên ý tưởng tổ chức, viết kịch bản, dẫn chương trình, biểu diễn và chuẩn bị mọi công tác hậu cần.

Hy vọng rằng qua buổi báo cáo sản phảm học tập này, chúng mình đã có thể mang tới cho mọi người phần nào góc nhìn về tầm quan trọng của bản sắc văn hoá dân tộc. Giờ đây, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống đó. Khi chúng ta hướng về giá trị văn học của dân tộc thì đồng nghĩa là ta đang tìm về cội nguồn của chính chúng ta.