Luyện kỹ năng viết đoạn và phát triển bài luận bằng phương pháp mô hình bánh Hamburger

Kĩ năng viết là một trong những kĩ năng quan trọng, việc kiểm tra năng lực viết của học sinh cũng là một trong những cách đánh giá phổ biến và truyền thống hiện nay. Vậy các em học sinh đã thực sự tự tin khi viết đoạn văn, bài văn lập luận? Tôi cho rằng phần lớn là chưa.

 

Trong môn Tiếng Việt, Ngữ văn, học sinh được làm quen với việc viết Đoạn văn từ các lớp 3, được tìm hiểu kĩ về các kiểu đoạn quy nạp, diễn dịch, tổng hợp - phân tích - tổng hợp cũng như được giới thiệu về nhiều kiểu đoạn văn khác ở lớp 8, được luyện ở lớp 9 để chuẩn bị cho kì thi vào 10 (Đề thi Ngữ văn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành hiện nay rất tập trung kiểm tra kĩ năng viết đoạn). Lên lớp 10, các em lại một lần nữa được luyện thực hành lập ý, viết đoạn theo các yêu cầu khác nhau trong tiết 13 của chương trình và tiếp tục học viết đoạn, viết luận chuẩn bị cho kì thi Tốt nghiệp Quốc gia lớp 12 theo xu hướng mới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các em thường gặp rất nhiều bỡ ngỡ khi bắt gặp các dạng đề mở, thiếu kiến thức và dẫn chứng thực tế để minh chứng mà chỉ giỏi bình luận đánh giá (nói nôm na là “chém” chung chung). Bên cạnh đó, học sinh hầu như phải học lại từ đầu về cấu trúc và cách viết đoạn, viết luận trong các lớp luyện thi khi thi IELTS, TOEFL; khi chuẩn bị hồ sơ đi du học. Đó là một hiện trạng rất phi lí, bởi trong kĩ năng của ngôn ngữ, bản chất viết luận của tiếng Việt hay tiếng Anh không có gì khác nhau. Ở đây, tôi không bàn đến các nguyên nhân như cách thức ra đề viết luận hiện nay, cũng như việc thiếu thói quen tìm hiểu và cập nhật thông tin của học sinh, mà tôi quan tâm đến cách thức dạy học kĩ năng viết của nhà trường chưa thực sự hiệu quả.

Cách dạy viết đoạn trong phân môn Làm văn còn mang tính hàn lâm cao với hàng loạt các khái niệm, cách dạy học lí thuyết cũng như thực hành còn vụn vặn, thiếu tính xuyên suốt từ lớp nhỏ đến lớp lớn. Bằng cái nhìn “liên môn” trong các bộ môn ngôn ngữ, đi tìm “bí kíp” giúp các em có thể học cách viết đoạn và viết bài luận tiếng Việt cũng như tiếng Anh, tôi đã nghiên cứu mô hình chiếc bánh kẹp Hamburger dùng để viết đoạn trong tiếng Anh để áp dụng khi viết đoạn lập luận nói chung. Và từ đó tìm cách phát triển mô hình đoạn thành các bài luận.

Mô hình chiếc bánh kẹp này như sau:

Lí do ta sử dụng mô hình bánh kẹp Hamburger vì khi phân tích mô hình này ta có thể thấy nó hoàn toàn khớp với cấu trúc đoạn theo kiểu lập luận Tổng hợp-phân tích-tổng hợp, một kiểu đoạn mang tính chất kiểu mẫu vì nó là một sự thu nhỏ của bài văn đầy đủ Mở bài-Thân bài-Kết luận theo hình thức nghị luận tổng hợp. Hơn nữa hình ảnh các lát bánh mì trên và dưới tượng trưng cho câu chủ đề - câu kết luận có sự nhắc lại vấn đề; các lớp rau, thịt, nước sốt… tượng trưng cho các câu trong thân đoạn, rất phong phú nhưng vẫn cần sự liên kết thống nhất và cân bằng… là những hình ảnh hết sức sinh động, dễ hình dung và hợp lý khi ẩn dụ cho cấu trúc một đoạn văn. Tuy nhiên làm thế nào để mô hình này được phát triển thành các đoạn văn mở rộng và bài văn lập luận? Tôi xin đưa ra gợi ý như sau:

Hamburger Paragraph Cấu trúc đoạn văn Gợi ý áp dụng cho một đoạn lập luận điển hình Gợi ý áp dụng cho một bài luận điển hình
Topic sentence Câu chủ đề Nêu vấn đề, quan điểm về vấn đề Đoạn mở bài: nêu vấn đề
Supporting sentence 1 Câu bổ trợ 1 Giải thích, minh chứng: trả lời theo 5W (cái gì, ở đâu, lúc nào, ai, tại sao) Đoạn giải thích, chứng minh, phân tích
Supporting sentence 2 Câu bổ trợ 2 Phản biện: đưa ra các ý kiến trái chiều Đoạn phản biện: đưa ra các ý kiến trái chiều, hiện tượng trái ngược
Supporting sentence 3 Câu bổ trợ 3 Bình luận: đưa ra ý phủ định lại câu phản biện theo quan điểm của mình. Đoạn bình luận: đưa ra các ý phủ định lại đoạn phản biện, lí giải.
Conclusion sentence Câu kết luận Kết luận: khẳng định lại vấn đề, liên hệ mở rộng, giải pháp Đoạn kết luận: khẳng định vấn đề, liên hệ mở rộng, giải pháp

 

Học sinh cần sử dụng các phép liên kết hình thức để kết nối các câu và đoạn văn, cần tập có thói quen trích dẫn, đưa thông tin chính xác. Nếu là một đoạn văn hơn 5 câu, học sinh có thể gia tăng số lượng các câu bổ trợ. Khuynh hướng viết như sau: Nếu học sinh đưa ra quan điểm đồng tình với câu/đoạn chủ đề, cần gia tăng câu bổ trợ 1, 3 (tập trung vào giải thích, chứng minh để thuyết phục).

Nếu học sinh đưa ra quan điểm không đồng tình, cần gia tăng câu bổ trợ 2, 3, 4 (tập trung vào hậu quả, giải pháp).Điều đó áp dụng tương tự cho việc phát triển dung lượng đoạn văn trong bài luận. Với mô hình này, theo yêu cầu tối thiểu, học sinh Tiểu học có thể dễ dàng viết đoạn 5 câu, học sinh THCS viết đoạn mở rộng. Và với khả năng đọc, cập nhận cũng như tư duy khái quát, tổng hợp tốt, học sinh THPT có thể viết thành bài luận nhiều đoạn. Nhưng đối với những em có khả năng logic và ngôn ngữ tốt, kết quả thu được có thể rất bất ngờ, các em có thể nâng trình độ viết luận ngay từ THCS.

Là một giáo viên, các thầy cô có thể ứng dụng mô hình Hamburger bằng cách đưa mẫu biểu và cho học sinh “làm bánh” với các phiếu đầy màu sắc, đó quả là một điều thú vị cho các em. Các em học sinh cũng có thể tự làm cho mình những chiếc bánh như vậy để “thưởng thức”, tôi tin các em sẽ có kĩ năng viết đoạn và viết luận vô cùng chắc chắn nếu thường xuyên rèn luyện kĩ thuật này.

ham1

Ở cuối bài, tôi xin đưa ra một đoạn văn “mẫu” với vấn đề: Có nên dùng roi vọt để giáo dục trẻ em không? Đây là bài viết của một học sinh lớp 5 trường TH & THCS Olympia (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau khi học viết một đoạn 5 câu và một đoạn mở rộng từ mô hình Hamburger. Xin phép được phân tích mô hình để thầy cô và các em tiện đọc và hiểu rõ hơn cách thức phát triển đoạn. Chúc các thầy cô và các em thành công.

Cấu trúc đoạn văn Đoạn 5 câu (mô hình Hamburger) Đoạn mở rộng
Câu chủ đề Không nên dùng roi vọt để trừng phạt trẻ em. Không nên dùng roi vọt để trừng phạt trẻ em.
Câu bổ trợ 1(Giải thích, chứng minh) Sở dĩ như vậy vì trẻ em có cơ thể bé nhỏ, yếu đuối, dễ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Sở dĩ như vậy vì trẻ em có cơ thể bé nhỏ, yếu đuối, dễ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Gần đây có rất nhiều vụ bạo hành trong các trường mầm non bị xã hội lên án dữ dội.
Câu bổ trợ 2(Phản biện) Nhưng người Việt có câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, đó là cách mà nhiều gia đình vẫn dạy con cái. Nhưng người Việt có câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, đó là cách mà nhiều gia đình vẫn dạy con cái.
Câu bổ trợ 3(Bình luận) Tuy nhiên, cách thức đó là kinh nghiệm lạc hậu, phản khoa học. Tuy nhiên, cách thức đó là kinh nghiệm lạc hậu, phản khoa học. Trẻ có thể sợ hãi người lớn và nghe lời. Nhưng sau khi đã quen bị bạo hành, trẻ sẽ có tâm lý cũng như các hành động cực đoan. Nghiên cứu cho thấy, khi bị phạt, trẻ sẽ cảm thấy tức giận và trở nên phòng thủ với mọi thứ xung quanh. Một loại hóc-môn có tên là Adrenalin sẽ nhấn chìm bọn trẻ trong cảm giác muốn chiến đấu thay vì hòa bình, hợp tác. Nhiều đứa trẻ từ chỗ là nạn nhân, có xu hướng chống đối gia đình, đi bắt nạt bạn bè hoặc trở thành người đi bạo hành, gây tội ác cho xã hội sau này.
Câu kết luận Vì thế, nên dạy trẻ bằng sự tôn trọng và yêu thương, cần phải loại bỏ cách dạy trẻ em bằng roi vọt. Như vậy, cần phải loại bỏ cách dạy trẻ em bằng roi vọt. Người lớn cần học cách điều chỉnh cảm xúc của mình, thấu hiểu trẻ, giúp trẻ sửa sai, đưa ra các quy tắc đồng thuận, quan tâm và bao dung với trẻ. Hãy tạo cho trẻ một môi trường của sự tôn trọng và yêu thương.

 

* Nguồn tư liệu tham khảo: http://www.readingrockets.org/strategies/paragraph_hamburger

Tác giả: Cô Nguyễn Hồng Duyên – Phó hiệu trưởng trường THPT Olympia, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Văn học & Tuổi trẻ, số ra tháng 11/2015