Học online với mô hình lớp học đảo ngược?

Khi cả học sinh và giáo viên đang quen dần với mô hình học online hàng ngày - điều mà chưa từng xảy ra trước đây, điều gì sẽ củng cố và khẳng định chất lượng của những lớp học trên nền tảng số này? Mô hình lớp học đảo ngược là một minh chứng mà các thầy cô Olympia đã cực kỳ nhạy bén để đưa vào áp dụng.

Lớp học đảo ngược là gì?

Trong lớp học truyền thống, học sinh sẽ bắt đầu tiếp nhận kiến thức mới ở buổi học trên lớp, sau đó làm bài tập thực hành tại lớp hoặc tại nhà để ghi nhớ. Ngược lại, đối với mô hình “Lớp học đảo ngược”, quy trình truyền thống sẽ được “đảo ngược”. Học sinh sẽ phải tự làm việc với bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như băng hình, trình chiếu PowperPoint, và khai thác tài liệu trên mạng. Bài giảng trở thành bài tập ở nhà mà người học phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động thảo luận, tranh biện chuyên sâu hơn cùng giáo viên. Từ đó, hiệu quả học tập được nâng cao rõ rệt. Lớp học đảo ngược ra đời xuất phát từ quan sát của hai nhà giáo dục học Jonathan Bergman và Aaron Sams.

Tiết học môn Sinh học khối 10
Cụ thể, với tiết học môn Sinh học khối 10, các bạn học sinh được giao tìm hiểu trước về bài học thông qua phiếu bài tập và các tài liệu video được biên soạn từ giáo viên. Với chủ đề về bệnh truyền nhiễm và miễn dịch, các bạn học sinh tìm hiểu trước về những vấn đề cơ bản như: Tại sao các đại dịch thường gây ảnh hưởng và chết nhiều ở Trung Quốc? Có rút ra điều gì về sự liên quan giữa mật độ dân số và độ lây lan? Bệnh truyền nhiễm là gì? Có những phương thức lây truyền nào?..

Các bạn học sinh cũng phải nộp phần tìm hiểu cá nhân của mình trước buổi học cho giáo viên. Từ đó, giáo viên có cơ sở đánh giá năng lực tự học của học sinh và tiếp tục thiết kế bài giảng phù hợp.

Khi lên lớp, giáo viên và các bạn học sinh dành thời gian cho những thảo luận và tranh biện sâu hơn. Cả lớp được chia thành 2 nhóm và tranh biện cho vấn đề “Ủng hộ hay không ủng hộ cho việc cách ly cộng đồng?”, đưa ra những lập luận ở các khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội… Điều này giúp cho không khí buổi học sôi nổi hơn khi học sinh được trao đổi, tư duy bậc cao chứ không đơn thuần chỉ học những kiến thức luôn có trên google.

Tiết Toán học về tam giác cân (bằng Tiếng Anh)

Thay vì bắt đầu bài giảng bằng việc mở sách giáo khoa và bắt đầu những định nghĩa lý thuyết về tam giác cân, các bạn học sinh được hướng dẫn tìm hiểu trước những kiến thức này tại nhà. Thời gian trên lớp dành cho việc chữa bài tập và đào sâu hơn những nội dung đã học, làm những dạng bài tập thử thách hơn. Điều này giúp tăng sự chủ động của học sinh, nâng cao hiệu quả của tiết học trên lớp khi giảm thời lượng cho những kiến thức dễ tìm hiểu và tập trung cho phần hỏi đáp, các kiến thức sâu hơn.

Giáo viên sử dụng bảng Wacom chuyên nghiệp trong những giờ Toán online

Khi học sinh trở thành giáo viên trong tiết Tiếng Anh

Trong những mô hình lớp học đảo ngược, học sinh và giáo viên "đảo ngược" vai trò cho nhau là một trong những hình thức phổ biến và được áp dụng thành công nhất ở nhiều nước trên thế giới. Trong tiết học này, học sinh hoàn toàn tự chuẩn bị giáo án, phần nội dung sẽ "dạy" lẫn nhau, cũng như toàn quyền điều phối lớp học; còn giáo viên đóng vai trò thính giả và chỉ trợ giúp khi học sinh gặp khó khăn.

Trong tiết Tiếng Anh với thầy Dustin vừa qua, các bạn học sinh khối 8 đã có một trải nghiệm như vậy. Tiết học bao gồm những phần chính như: Grammar (Ngữ pháp), Vocabulary (Từ vựng), Reading (Bài đọc), or Video + Discussion (Xem video, thảo luận). Với sự dẫn dắt từ chính học sinh, cả lớp như tìm được "tiếng nói chung" và do đó, được trải nghiệm một kiểu học tập chủ động mới mẻ, vừa thoải mái lại hiệu quả. Để "lên lớp" thành công, các nhóm cũng phải luyện tập và chuẩn bị rất nhiều trước đó, từ việc thiết kế bản trình chiếu, chuẩn bị nội dung, ví dụ... tới việc kiểm soát thời gian thuyết trình để không bị "cháy giáo án".

Như thường lệ, nội dung của bài học Tiếng Anh tại Olympia mang rất nhiều tính chất học thuật, gợi mở tư duy, khám phá. Với chủ đề bài học "How does the Sky influence Us?", các bạn học sinh đã được tiếp cận với rất nhiều tài liệu "khó nhằn" hơn những cũng phong phú, thú vị hơn rất nhiều.