Khối 7 tham quan Viện Điều tra Quy hoạch Rừng

Ký sự tham quan Viện điều tra Quy hoạch Rừng của các học sinh trường PTLC Olympia

Ngày 25/05/2015, kết thúc năm học 2014-2015, các bạn học sinh khối 7 đã có một ngày tham quan Viện Điều tra Quy hoạch Rừng với nhiều hoạt động trải nghiệm: tham quan khu trưng bày mẫu vật, tìm hiểu hệ sinh thái trong Vườn Thực Vật và làm thí nghiệm về vai trò của rừng trong việc chống xói mòn.Tại Bảo Tàng Tài Nguyên Rừng Việt Nam, các bạn được quan sát mẫu vật từ to lớn như hổ, gấu, khung xương voi đến các mẫu vật nhỏ bé như ve, ong, muỗi, các loại lá cây, các loại nấm... Rất nhiều bạn thắc mắc rằng, tại sao chúng ta phải lưu giữ những mẫu vật này trong khi chúng có rất nhiều trong tự nhiên?

Để giải đáp, chú cán bộ của Viện chia sẻ, lưu giữ mẫu vật là hoạt động cần thiết, nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, tổng hợp, tìm và so sánh đặc điểm của từng loài. Bên cạnh đó, khu Vườn Thực Vật rộng 3,2 ha là cả một thế giới thực vật phong phú, đặc trưng của rừng Việt Nam với 3 phân khu chính: khu thực vật cây gỗ và dược liệu, khu tre nứa, khu thủy sinh. Ở đây bao gồm các loại cây điển hình của rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (Sao đen, Táu, Chò chỉ...), rừng trên núi đá vôi (Lim, Nghiến, Hoàng đàn, Kim giao...), rừng khộp (Giáng hương, gụ mật...),...

Ngoài việc quan sát các loại cây và các loài sinh vật, côn trùng, các bạn học sinh còn có một bài tập thực hành nho nhỏ từ chú cán bộ của Viện. Các bạn phân thành từng nhóm và tìm các loại lá cây giống với các loại lá được miêu tả trong giấy. Có nhóm tìm đủ, có nhóm thiếu, có nhóm tìm đúng, có nhóm sai, có nhóm lại nhầm lẫn giữa những loại lá với nhau nhưng điều quan trọng nhất là các bạn đã có thêm kiến thức về các dạng khác nhau của gân lá và hình dạng lá cây.

Như chú cán bộ của Viện đã nói, tuy mỗi loại cây trong rừng đều có tác dụng khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là chúng có tác động qua lại để tạo ra môi trường sống tốt cho các loài sinh vật trong rừng.Để nhận biết rõ hơn về tầm quan trọng của rừng, các bạn được cô chú cán bộ của Viện hướng dẫn làm thí nghiệm trên 2 mô hình là 2 hộp xốp có đất, một hộp là đất có rừng, một hộp là đất không có rừng. Sau khi đổ nước vào 2 thùng xốp, bạn nào cũng nhận ra rằng khi không có rừng, đất dễ bị trôi theo dòng nước hơn. Chính vì vậy, trồng và bảo vệ rừng chính là hoạt động chống xói mòn hiệu quả nhất.

Chú cán bộ khá bất ngờ về những nhận xét các bạn đưa ra sau khi quan sát thí nghiệm: “Các con quả thật rất thông minh, bài học chú muốn nói với các con hôm nay chính là những điều các con vừa trình bày và tự phát hiện ra từ thí nghiệm”.Viện Điều tra Quy hoạch Rừng Việt Nam thành lập từ năm 1961 nhằm mục đích điều tra cơ bản về Lâm nghiệp và xây dựng các phương án quy hoạch và bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra, hàng năm, Viện đón tiếp rất nhiều đoàn học sinh đến tìm hiểu về các loài thực vật và sinh vật.

Nằm trong mục tiêu giảng dạy tại Olympia, khuyến khích học sinh thực hành và khám phá, chuyến tham quan Viện Điều Tra Quy Hoạch Rừng là hoạt động giáo dục về môi trường giúp các em gần gũi hơn với thiên nhiên, tăng vốn hiểu biết về hệ sinh thái đa dạng của Việt Nam. Và hơn hết, các em ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, như lời Bác Hồ đã dạy: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.