Bạn dùng bao nhiêu máy móc mỗi ngày

Một ngày có 24 giờ đồng hồ. Vậy mà theo thống kê mới nhất tại trường PTLC Olympia, trung bình mỗi ngày một học sinh lớp 10 có hơn 25 giờ đồng hồ sử dụng các loại thiết bị, máy móc khác nhau.

Đặc biệt, một số bạn còn có số giờ trung bình hàng ngày lên tới 75 giờ, tức là liên tục xung quanh luôn có ít nhất 3 - 4 loại thiết bị hoạt động cùng lúc.

Đây là những số liệu được đưa ra trong dự án cuối kỳ của môn học mới: Human - Machine Relations (Mối quan hệ giữa con người và máy móc), nằm trong học phần về Truyền thông và Văn hoá của bộ môn HELP. Trong thời đại kĩ thuật số này, dù cuộc sống có giản tiện tới đâu thì cũng hiếm ai có thể sống một cuộc đời không liên quan chút nào tới máy móc. Hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với vô số loại thiết bị, từ những loại đơn giản cơ học như đồng hồ, quạt điện tới những thứ được lập trình tinh vi hơn như điện thoại, máy tính với hệ điều hành thông minh,… Những thực hành cuộc sống này có tác động gì tới chúng ta hay không, về cả mặt hành vi, văn hoá và cảm xúc? Và nếu có thì ở cấp độ nào? Trong 2 tháng vừa qua, hơn 80 học sinh lớp 10 đã cùng nhau đi tìm hiểu điều đó trong dự án “Nhật ký sử dụng máy móc".

Trong dự án này, mỗi học sinh được hướng dẫn ghi lại nhật ký sử dụng các loại máy móc, thiết bị điện tử của mình trong vòng 01 tháng, đưa ra số liệu và biểu đồ cá nhân, từ đó so sánh với các bạn trong lớp và trong khối. Theo đó, mỗi học sinh lớp 10 vừa là nhà nghiên cứu, vừa là đối tượng được nghiên cứu. Thạc sỹ Bùi Trà My, giáo viên hướng dẫn môn học này cho biết: “Trong nghiên cứu, không có gì thuận tiện bằng việc tự ghi chép, theo dõi nghiên cứu chính bản thân mình. Và cũng không có gì khó bằng việc phải đặt mình ra ngoài chính mình để tỉnh táo quan sát từng hành vi cá nhân với một tinh thần phản biện. Trong học kỳ này, các bạn học sinh khối 10 đã thực sự bước đầu làm được việc đó". Kết quả dự án cho ra những số liệu khá thú vị.

Ví dụ, tổng số giờ sử dụng thiết bị của học sinh luôn nhiều hơn quỹ thời gian mà các bạn có. Cao Quý Bảo Trân, học sinh lớp 12 Xcel viết trong bài báo cáo nghiên cứu của mình: “Con nghĩ dự án này giúp con nhận ra rõ hơn thời gian con dành cho từng loại thiết bị để từ đó tự điều chỉnh cho phù hợp". Một chi tiết khác là các học sinh sử dụng smartphone có xu hướng sử dụng điện thoại nhiều hơn hẳn so với các bạn học sinh dùng điện thoại thế hệ cũ, những thiết bị mà tự học sinh gọi là “điện thoại cục gạch".

Trong term 3 năm học 2015-2016, môn Human - Machine Relations đang tiếp tục được đưa vào chương trình của học sinh lớp 9. Không chỉ ghi lại hành vi sử dụng thiết bị hiện có, các bạn học sinh sẽ tham gia vào việc sáng tạo ra các loại máy móc mới phục vụ tích cực và nhân văn cho con người, từ đó bước đầu tiếp cận với một ngành học mới có tên Digital Humanities - một sự kết hợp giữa khoa học máy tính (computer science) và các ngành nhân văn.

04 BƯỚC NGHIÊN CỨU HÀNH VI SỬ DỤNG MÁY MÓC CÁ NHÂN TRONG DỰ ÁN

 

1. Đặt vấn đề và mục tiêu nghiên cứu 2. Thu thập dữ liệu: mỗi học sinh ghi lại nhật ký sử dụng máy móc của mình trong vòng 04 tuần, tương đương 28 ngày. 3. Xử lý dữ liệu: thống kê thành một bảng tổng hợp cá nhân về tần suất sử dụng máy móc trong vòng 28 ngày. Từ bảng tổng hợp này, mỗi học sinh xử lý ra thành một biểu đồ hình tròn (pie-chart). 4. Phân tích, so sánh và báo cáo: Mỗi học sinh được yêu cầu viết 01 báo cáo cá nhân, trong đó ghi lại quá trình làm việc từ pha 1 trở đi, so sánh số liệu của mình với các bạn trong lớp / trong khối và đưa ra những nhận định của bản thân mình. 10c 10d

 

10e

 

10x

 

 

Thạc sỹ Bùi Trà My tốt nghiệp ngành Phân tích sáng tạo phê bình, khoa Xã hội học, (Goldsmiths, University of London) và là Cử nhân Báo chí - Truyền thông (ĐHQGHN). Tại trường Olympia, cô đang giảng dạy học phần Truyền thông và Văn hoá bao gồm: Phân loại thông tin; Hiểu biết về Truyền thông; Mối quan hệ con người - máy móc; Văn hoá, Toàn cầu hoá và Quyền lực.