Câu chuyện vượt thử thách thứ 2: Ở Olympia, chúng tôi có quyền “được sai”...

Dáng người nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, lanh lợi, thông minh - đó là những gì mọi người nghĩ về Diệu Hoa - giáo viên ngữ văn lớp 6.

Là một giáo viên trẻ tại Olympia nhưng đã đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm lớp cũng như trưởng khối 6, những thách thức với cô Diệu Hoa quả thực không hề nhỏ. Nhớ lại những ngày khi mới bước chân tới Olympia, đó là những ngày đầu tinh khôi với ước mơ nghề giáo nhưng cũng chông chênh với câu hỏi Diệu Hoa tự đặt cho bản thân: Liệu nghề giáo có phải con đường đúng đắn mình đã chọn? Để đảm bảo tính khách quan của câu chuyện, chúng tôi xin chia sẻ trọn vẹn những dòng tâm sự, bộc bạch của cô giáo Diệu Hoa.

Việc đi làm ngay từ ngày đầu tiên sau khi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp thực sự là một khó khăn lớn. Bắt đầu làm việc ở môi trường mà mọi thứ đều mới mẻ, cường độ công việc, sự phối hợp nhịp nhàng, văn hóa và tư duy rất mới khiến mình vừa bị choáng ngợp, vừa thấy khó, vừa tự ti. Mình đã phải học lại từ cách lên mục tiêu cho một bài học, sửa đi sửa lại một phiếu bài tập cả từ ngôn từ ra nhiệm vụ đến dấu chấm câu, và lần đầu cảm thấy lớp học mình tưởng là tốt thực ra lại có nhiều điểm chưa ổn, và khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy mệt mỏi như nào.

Lúc đó, quá nhiều thứ mới và khó khiến mình không biết bắt đầu từ đâu, không biết phải làm như thế nào. Thế rồi muộn deadline, chất lượng tệ, không quản lý được lớp. Bên cạnh áp lực, điều tệ hơn chính là việc thất vọng về bản thân. Nhưng trên tất cả, thử thách lớn nhất có lẽ là phải chấp nhận việc mình không biết, chấp nhận mình yếu, và thậm chí là sai.

Vào trường khi còn rất trẻ, mình sai vô cùng nhiều, sai trong mọi việc, thậm chí cả việc ứng xử và giao tiếp. Có những người chị thân thiết luôn sẵn sàng ngồi lại để lắng nghe mình, đặt câu hỏi và giúp mình nhận ra vấn đề nào đang tồn tại. Nhưng điều lớn nhất trong những câu chuyện chia sẻ của mọi người khiến mình thay đổi suy nghĩ là "Sao đâu, ai cũng có thể sai mà. Sai thì làm lại". Thật khó để ở đâu đó mình thậm chí còn được trao cho quyền "được sai". Điều đó đã giúp mình rất nhiều trong việc dám đưa ra quyết định, trong việc nhanh chóng lấy lại cảm xúc cân bằng đề đối diện với cái sai của mình - và làm lại nó.

Quan điểm của mình về việc dạy học là một trò chuyện. Ở cuộc trò chuyện đó, người nói và người nghe phải thiết lập được mối quan hệ, phải cùng cảm thấy mình đang ở đây, mình muốn nói và sẻ chia, và cảm thấy mình học được gì đó. Thế nên bất kể khó khăn nào trong việc giảng dạy mình cũng quan niệm sẽ đến từ hai phía. Trẻ con đang gặp khó khăn gì? Và vấn đề của bản thân mình là ở đâu, mình đã làm những gì. Giảng dạy là một cuộc trò chuyện, là mối quan hệ nên nó rất cá nhân. Chính vì thế, mình không thể làm cách của người khác nếu không hiểu rõ, và cũng không ai có thể làm thay mình được cả.

Mình luôn đặt câu hỏi liệu những đứa trẻ có thực sự hạnh phúc trong tiết học của mình hay không. Mình muốn các con vẫn được học, nhưng theo thiên hướng và tốc độ của mình, chứ không bị o ép hay không. Nó làm mình thấy trước đó mình đã thiển cận khi đánh giá mục tiêu lớp học dựa trên một mặt phẳng cho tất cả, mà không quan tâm đến cảm xúc, và xu hướng của cá nhân.

Trong cuộc sống, quan điểm của mình thay đổi rất rõ từ bộ phim Mr Nobody - một bộ phim lấy cảm hứng từ hiệu ứng cánh bướm. Nó giúp mình nhận thức rất rõ việc bất kể việc gì xảy ra cũng có lý do của nó. Thay vì than thân trách phận vì những khó khăn trở ngại sao xảy đến quá nhiều, thì khi hiểu và đón nhận nó như một lẽ tự nhiên, mình sẽ có tâm thế đối diện một cách nhẹ nhàng, và thoải mái hơn. Không ai sống thay mình được cả, nên mình sẽ có tinh thần tích cực trong việc giải quyết và vượt qua nó.

Trong câu chuyện của cô giáo trẻ là sự hứng khởi, niềm say mê nhiệt thành, xen lẫn thoáng buồn khi nghĩ về những giai đoạn thử thách với nghề giáo. Olympia không chỉ là một nơi để Diệu Hoa viết lên những ước mơ cho lũ trẻ, đó là nơi tuổi trẻ của cô được viết tiếp trên những trang giáo án. Nhiều người hay nói đùa những ngày tháng sau ra trường như “vùng trũng của tuổi trẻ”, nhưng Diệu Hoa đã vượt qua vùng trũng ấy và bước dần trên con dốc của trưởng thành, dù còn nhiều chông chênh và thử thách.

“Mình yêu việc dạy học hơn bất cứ điều gì, hơn cả việc được viết. Chưa bao giờ mỗi tiết dạy lại khiến mình phải chật vật, ngóng từng giờ trôi qua cả. Chừng nào mình vẫn thấy háo hức, chộn rộn niềm vui trước mỗi giờ lên lớp, mọi thử thách chẳng còn nghĩa lý gì”.

 

Cùng với Hội nhập và Bản sắc Việt, Vượt thử thách là sứ mệnh đào tạo con người thứ ba tại Olympia. Vượt thử thách được hiểu không chỉ là những câu chuyện vượt khó vươn lên đầy kịch tính, cũng không chỉ là khi vượt qua được những cột mốc lớn lao trong cuộc đời. Vượt thử thách theo cách hiểu của Olympia, chính là từng bước nỗ lực và thay đổi ngày qua ngày từ những điều nhỏ nhất, là chiến thắng chính bản thân mình với những tiến bộ tầng bậc khác nhau. Một người con có thể kiên định hướng đích, có nội lực để vượt thử thách, bật lại dù cuộc sống có vất vả như thế nào sẽ là một người công dân có ích. Đó chính là sứ mệnh đào tạo và phát triển thứ ba của Olympia: Vượt thử thách.