Kéo con ra khỏi thế giới ảo

Giao tiếp mặt đối mặt là giao tiếp mang tính con người nhất. Thế nhưng thế hệ trẻ ngày có xu hướng giao tiếp thông qua màn ảnh chiếc điện thoại, máy tính bảng.

Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, nhưng làm thế nào có thể kéo trẻ ra khỏi thế giới ảo đầy hấp dẫn đó. Tại hội thảo “Sống cùng con trong thời đại số” vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng người kéo con trẻ ra khỏi thế giới ảo không ai khác ngoài chính cha mẹ của chúng.

Đơn độc bên người thân

Từng có một học sinh lớp 7 tên H. có biểu hiện tự làm đau mình bằng cách cào cho cánh tay chảy máu, hay chà mạnh vào nền xi măng nhiều tiếng đồng hồ. Sau khi tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện, nhà trường mới biết, một phần nguyên nhân dẫn đến hành động hành hạ bản thân của H. là do em cảm thấy đơn độc, sống dựa vào mạng xã hội, nên kỹ năng sống kém, và em trở nên thu mình lại, ngại giao tiếp trực tiếp. Ba mẹ em quá bận rộn với công việc kinh doanh ở công ty, tối về nhà là lao vào bàn làm việc, nên H. chỉ quanh quẩn với máy tính, điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử khác. Những câu giao tiếp hiếm hoi trong gia đình lại là những câu mắng nhiếc từ bố mẹ.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà bà Phương Hoài Nga, cán bộ tư vấn tâm lý, thạc sỹ tâm lý học đưa ra trong hội thảo “sống cùng con cái trong thời đại số” diễn ra ngày 23-4. Bà Nga cho hay, các em đang có xu hướng sử dụng các thiết bị công nghệ thay cho việc giao tiếp trực tiếp. Nếu việc này diễn ra khi các em tuổi còn quá nhỏ hoặc sử dụng thiết bị số với tần suất và thời gian quá dài sẽ khiến các em không thể chuyển hóa kiến thức thành tri thức.

Điển hình là H., ba mẹ cho đi học không thiếu một khóa học nào từ rèn luyện chữ đẹp, tính nhẩm, kỹ năng sống… Thế nhưng, những kiến thức mà em học được không thể chuyển hóa thành tri thức để ứng dụng vào đời sống hàng ngày.

Bà Bùi Trà My, thạc sĩ phân tích sáng tạo và phê bình, trẻ em hay người lớn nghiện sử dụng thiết bị công nghệ chủ yếu bởi hai cảm giác chính: buồn chán và cô đơn. Khi không có ai trò chuyện thì chiếc điện thoại hay máy tính nối mạng lại chính là kho giải trí vô tận lấp đầy thời gian, không gian của một người. Song, nếu cứ phụ thuộc như vậy, chúng ta sẽ quên dần cách giao tiếp trực tiếp với nhau, đặc biệt là những đứa trẻ sinh ra trong thế giới toàn các thiết bị điện tử.

Hơn nữa, theo điều tra nhỏ của bà My trong các lớp học tại một trường cấp 3 tại Hà Nội, số giờ sử dụng thiết bị công nghệ tỷ lệ nghịch với kết quả học tập của các em. Theo đó, các em càng dành nhiều thời gian cho công nghệ thì kết quả học tập của các em càng thấp.

Không những thế, theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, việc sử dụng thiết bị công nghệ, đặc biệt là điện thoại di động sẽ khiến cổ phải cúi xuống, nếu như cổ cúi xuống quá thấp, lực sẽ dồn xuống gáy bằng trọng lực của một đứa trẻ 8 tuổi ngồi lên cổ.

Dưới lăng kính của một chuyên gia về Internet, ông Lê Đức Trung, giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc để trẻ sử dụng thiết bị công nghệ quá lâu, ngoài việc giảm giao tiếp mặt đối mặt thì trẻ còn có nguy cơ đối mặt với việc bị bắt nạt, bị xâm hại hoặc bị khai thác thông tin, đời tư trên mạng, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ sau này.

Bầu không khí gia đình

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết được vấn đề này, tự thân mỗi cá nhân cần điều chỉnh hành vi và thói quen của mình. Khi đứa trẻ chưa chủ động làm được việc đó thì cha mẹ chính là người cần kéo lại không gian đối thoại của gia đình, thay đổi thói quen sử dụng thiết bị điện tử của bản thân và giúp con có thói quen mới.

Theo bà Nga, mỗi gia đình cần xây dựng và duy trì văn hóa chung. Bố hoặc mẹ nên dành khoảng thời gian riêng ở bên con và nói chuyện, chia sẻ những sở thích cá nhân. Bên cạnh đó, họp mặt trong những bữa cơm chiều hay những chuyến đi chơi chính là hoạt động để gắn kết. Đây là thời gian để mọi người kể cho nhau nghe những câu chuyện thường ngày, cùng nhau lên kế hoạch mua sắm hay phân công việc nhà. Khi những chia sẻ trong gia đình trở thành một thói quen, một nhu cầu thì việc bị thu hút bởi các cuộc hội thoại qua màn hình điện thoại, máy tính sẽ giảm đi.

Ngoài ra, để thời gian bên gia đình được trọn vẹn, bố mẹ có thể đặt vấn đề quy ước thời gian sử dụng thiết bị công nghệ với con trẻ. Quy ước này cần được thiết lập dựa trên việc lắng nghe và trao đổi để con không cảm thấy bị áp đặt, kiểm soát.

Ông Trung cho rằng, cha mẹ bảo vệ con nhưng không nên xâm phạm quyền riêng tư của con. Cách tốt nhất là cha mẹ cùng con tìm hiểu về Internet và tạo bầu không khí gần gũi để con sẵn sàng chia sẻ những vấn đề mà cha mẹ gặp phải.

Theo báo cáo của Google năm 2015, trung bình người Việt mở điện thoại 150 lần/ngày, con số này nếu chỉ tính ở thành phố thì sẽ cao hơn nhiều. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là cha mẹ giúp con hiểu và làm chủ công nghệ chứ không để công nghệ làm chủ, để con phát triển tích cực với đời sống xã hội hiện nay.

“Hãy để những đứa trẻ khi bước vào một quán ăn, quán cà phê, thay vì hỏi mật mã Wi-Fi ở đây là gì thì hãy chào hỏi và mỉm cười với những người xung quanh”, bà Trà My nói.

Thùy Dung