Câu chuyện vượt thử thách thứ 3: Liệu bạn có lựa chọn uống một tách trà không ngon?

Đó là từ dùng của thầy Đức Anh trong group chat (tin nhắn nhóm ở Facebook – chú thích của người viết) khi nói chuyện với TOS Band và cô Yến trong những ngày đầu chuẩn bị cho concert “Thu cho em” – trước thái độ rệu rã của các bạn khi cho rằng phong cách nhạc này không hợp “khẩu vị” của mình.

Và trong suốt cả hành trình, thầy Đức Anh, cô Hải Yến – Tổng Đạo diễn chương trình và toàn bộ ekip, đã nỗ lực để thưởng trà và thấy “mùa thu lá vàng rơi tiếng gọi” như thế nào?

Từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng về chương trình cũng là lúc đam mê và rào cản cùng xuất hiện; và những kinh nghiệm trước đây bắt đầu trở nên không đủ. Không phải là sự thiếu vắng trong chuyên môn làm nghề, mà thử thách đến từ những thứ ngoài tầm với. Khi đó, điều quan trọng nhất như ekip kể, “không phải là chuyện buồn hay vui, có sốc không, mà là trả lời câu hỏi: giờ mình cần làm gì?”. Sau nhiều đêm mất ngủ và lao sức vì concert, họ kể lại thật chậm quãng đường ấy với đôi mắt hơi hoe đỏ và đôi lúc nghẹn ngào.

Đó là những ngày bắt đầu hình thành ý tưởng, viết xong kịch bản mà cô Hải Yến lặp đi lặp lại một thói quen: 6h sáng đi chạy bộ và cắm tai nghe nghe đi nghe lại cả playlist nhạc theo thứ tự từ đầu đến cuối để thuộc lòng những màu sắc, những giai điệu này. Chia sẻ với đồng nghiệp và nhận được nhiều sự tâm đắc, mọi người đều đang giàu lòng tin vào một chương trình đầy nghệ thuật và chất thu.

Nhưng lòng tin vừa được đẩy lên cao nhất thì cũng ở trạng thái lung lay nhất.

Học sinh – giới trẻ của thời đại này, làm sao để các em có thể chấp nhận và lắng nghe những giai điệu của thời cũ, những giai điệu dù bên tai và trưởng thành cùng thế hệ cha mẹ các em nhưng lại hoàn toàn là những ca từ xa lạ với 10X. Sự khác biệt thế hệ ấy chính là tình cảnh mà như cô Hải Yến đã tâm sự cuối đêm nhạc: những buổi tập thờ ơ, trốn tránh. Các em sẽ quen hơn nếu là nhạc rock, nhạc Hàn quốc, nhạc indie... bởi vì đây mới là thời đại của các em.

Những buổi tập đầu tiên đã diễn ra chỉ với toàn...giáo viên như vậy. Vì thiếu rất nhiều thành viên nên các thầy cô phải chơi thay thế nhau ở các vị trí, và tự hát, tự vỡ bài. Cô Hải Yến trầm ngâm rằng, đến một lúc nào đó thì mình không thuyết phục nữa, gần như không nói gì thêm với các em nữa. Nhưng cả tổ Nhạc cứ chơi, cứ tập, ngày qua ngày, các bạn ấy đến và nghe thấy những giai điệu ấy rồi dần dần chấp nhận lắng nghe, thử sức một lần với thể loại âm nhạc này.

Cũng trong những lời tâm sự cuối chương trình, Thành Đạt (pianist) bật cười khi cô Hải Yến hỏi rằng “Là con đúng không, con là người ngủ gật khi tập đúng không?”. Và chính Đạt cũng là người đã trả lời rằng “Sau chương trình này, con đã thêm yêu rồi, yêu những giai điệu mùa thu này.”

Sau thành công ngoài sức mong đợi của đêm đầu tiên cùng lời “trách móc” chương trình ngắn, ekip quyết định chỉnh sửa một chút kịch bản và thêm vào một bài hát. Lúc ấy đã là 11 giờ đêm khi các giáo viên tổ Âm nhạc gọi điện cho nhau và lại say sưa thảo luận về những hoà thanh mới. Với lần thay đổi này, các thầy cô vốn định sẽ chỉ tập cùng nghệ sỹ để đảm bảo an toàn. Đây hoàn toàn không phải vì không tin tưởng khả năng chơi nhạc của các em, mà vì từ trong thâm tâm, các cô vẫn e ngại rằng các em chưa hẳn đã sẵn lòng hết để luyện tập gấp gáp cho đêm nhạc này. Có lẽ, chính thái độ thờ ơ lúc ban đầu của các em đã khiến cô Yến quyết định như vậy vào lúc 11h đêm hôm đó.

Ngày hôm sau, khi đến giờ tổng duyệt cho đêm nhạc thứ hai, khi các thầy cô đến trước để tập cho bài hát mới, thì cũng vừa là lúc các em học sinh trong ban nhạc đến và... giơ tay xin được tập. Lúc kể đến đoạn này, cô Hải Yến hơi dừng lại và mắt đỏ hoe, rồi lập tức vui mừng kể liền một mạch. Từ một bạn xin rồi đến cả ban nhạc tự ngồi vào vị trí. “Lúc đó mình vẫn run, nhưng sau đó học sinh của mình còn thuyết phục mình nữa. Từ những lần luyện tập uể oải, không thiết tha nhìn cô mà giờ đổi thành thuyết phục cô cho con được chơi cùng.” Đúng 15 phút sau, cô Hải Yến nhấn mạnh thời gian thần tốc đó, cả ban nhạc ghép bài thành công.

Thế là đêm nhạc hôm đó, trọn vẹn ban nhạc cùng biểu diễn trên sân khấu, với sự nối kết hoàn hảo y như trong giấc mơ những ngày tháng Tám của tổng đạo diễn chương trình – “một buổi diễn nghệ thuật sẽ không quá ồ ạt về số lượng thành viên, nhưng phải có sự kết tinh và đồng điệu từ tất cả những người đứng trên sân khấu”.

Những lo lắng của cả ekip còn tiếp tục trở dậy khi cả ban nhạc sẽ chơi nhạc sống từ đầu tới cuối, điều mà ca sỹ Hoàng Tùng sau khi tới hát đã bày tỏ nhiều chia sẻ lẫn khâm phục vì dường như, thị trường âm nhạc vẫn đang thiếu những đêm nhạc như thế. Điều này gợi ra hai khó khăn. Một là về phần thiết bị kỹ thuật cần phải được đảm bảo để chương trình chạy được liên tục, không có thời gian nghỉ và chuẩn bị giữa các tiết mục. Hai là làm sao để thuyết phục những ca sỹ chuyên nghiệp – những người vốn quen với sân khấu lớn, ban nhạc giàu kinh nghiệm – có thể sẵn lòng đến một trường học với một ban nhạc học sinh như thế?

Và họ đã thực sự bị thuyết phục và cảm thán bởi tài năng của cả ekip, và tâm huyết từ “Bella Musica” – quỹ âm nhạc nền tảng cho những sự kiện như “Thu cho em”. Khi ấy, mọi khó khăn, thử thách trở thành động lực để chúng tôi tiếp tục tìm kiếm những người đồng hành, tiếng nói ủng hộ, sự đóng góp quý báu mang tới khát vọng cho một nền “âm nhạc đẹp” cho các thế hệ học sinh tiếp được phát triển và tỏa sáng tài năng nghệ thuật của mình.

Cô Hải Yến đã tâm sự rằng: “Âm nhạc thời nào cũng đẹp. Mong các em hãy hiểu rằng, chúng ta trưởng thành trong những thời đại khác nhau và do đó, thẩm mỹ âm nhạc, thẩm mỹ nghệ thuật cũng bị chi phối rất nhiều bởi thời đại mà chúng ta sống. Và concert hôm nay không phải là vì muốn các em từ bỏ loại nhạc các em đang chơi, đang thích, mà là để các em hiểu thêm về những thế hệ khác, tìm được cho mình một chút kết nối nào đó, và cuối cùng là thêm sự tôn trọng nhất định với những phong cách âm nhạc khác nhau trong thế giới này.”

“Thu cho em” khép lại với những lời chia sẻ dù ngắn ngủi nhưng với ekip lại có ý nghĩa biết bao “Con bắt đầu nghe được loại âm nhạc này cô ơi!”. Thay đổi những thói quen lối mòn ở một thế hệ đâu có phải dễ dàng, ekip có lẽ cũng chưa dám mong cầu điều đó ở một concert. Đó là một con đường dài mà chúng tôi phải bền bỉ đi tới, và một, hai em học sinh hôm nay, với cái giơ tay xin được tập cùng vào hôm tổng duyệt hôm ấy, với những đứa trẻ lẳng lặng ngồi vào đàn để thuyết phục cô “Con làm được!”, là “hành trang” tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin để lan toả và âm vang những giai điệu đẹp trong cuộc sống của các em – thế hệ trẻ.

Cùng với Hội nhập và Bản sắc Việt, Vượt thử thách là sứ mệnh đào tạo con người thứ ba tại Olympia. Vượt thử thách được hiểu không chỉ là những câu chuyện vượt khó vươn lên đầy kịch tính, cũng không chỉ là khi vượt qua được những cột mốc lớn lao trong cuộc đời. Vượt thử thách theo cách hiểu của Olympia, chính là từng bước nỗ lực và thay đổi ngày qua ngày từ những điều nhỏ nhất, là chiến thắng chính bản thân mình với những tiến bộ tầng bậc khác nhau. Một người con có thể kiên định hướng đích, có nội lực để vượt thử thách, bật lại dù cuộc sống có vất vả như thế nào sẽ là một người công dân có ích. Đó chính là sứ mệnh đào tạo và phát triển thứ ba của Olympia: Vượt thử thách.