Câu chuyện vượt thử thách thứ 4: Người thầy từ nước Anh tới dạy kịch ở Olympia

Ở Olympia, một trong những điều đặc biệt với chương trình học là sự xuất hiện của giáo viên nước ngoài trong nhiều bộ môn không chỉ tiếng Anh.

Với những nhà giáo từ khắp nơi trên thế giới, ngưỡng thử thách còn cao hơn khi “nhập gia tùy tục” không phải điều ai cũng làm được. Câu chuyện trên, thầy giáo Ashley ở bộ môn kịch của khối tiểu học chắc là người rõ hơn ai hết.

Xin chào thầy Ashley. Sau một thời gian dài ở Việt Nam, thầy có chia sẻ gì về cuộc sống nơi đây?

Mình tới Việt Nam từ năm 2016 và dự định sẽ chỉ làm trong vòng khoảng 6 tháng. Nhưng bạn thấy đấy, mình đã ở đây được hơn 2 năm rồi. Thú thật, mình bắt kịp với cuộc sống ở Việt Nam khá nhanh. Hơn nữa, thời gian trên trường khá nhiều còn buổi tối mình dành thời gian với bạn bè nhiều nên cuộc sống cứ theo một guồng quay đều đặn như vậy.

Thầy có gặp nhiều thử thách hay khó khăn gì khi ở Việt Nam?

Ô nhiễm môi trường và nỗi nhớ gia đình chính là thử thách lớn nhất của mình tại Việt Nam. Từ hồi tới đây, số lần mình phải vào viện cũng khá nhiều do môi trường bụi bặm, như sáng nay mình mới phải đi khám mắt. Ở xa gia đình nên nỗi nhớ nhà là điều không tránh khỏi; chính vì thế một năm mình cũng về Anh 2 lần để thăm bố mẹ, hoặc bố mẹ cũng sang thăm mình nữa.

Vậy còn về công việc của một giáo viên nước ngoài ở Việt Nam thì sao?

Khi bạn dành phần lớn thời gian ở trên trường thì chắc hẳn mọi việc cũng không quá dễ dàng. Ban đầu khi mới tới Việt Nam, mình bắt đầu công việc tại một trường công lập. Tuy đã tốt nghiệp thạc sĩ nhưng với ít kinh nghiệm giảng dạy, một số người không thực sự tôn trọng mình trong công việc.

Khi chuyển qua trường Olympia, mình cảm nhận được sự trân trọng và tôn trọng của các giáo viên nơi đây. Bắt đầu công việc là một giáo viên tiếng Anh, mình đã đề xuất với ban giám hiệu để có thể đưa môn kịch vào giảng dạy. Và môn lần nữa, mình lại tự đặt bản thân vào thử thách mới khi đưa một môn mới mẻ như vậy vào trong chương trình học cho khối tiểu học.

Công việc giảng dạy kịch chắc chắn không dễ dàng khi còn quá mới mẻ. Thầy đã làm như nào để vượt qua được điều ấy?

Nếu tiếp tục giảng dạy tiếng Anh, mình chắc chắn rằng công việc của mình sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đặt bản thân vào một môn học mới, dù là thế mạnh của mình, ít nhiều cũng là một thử thách. Cái khó của việc dạy kịch là làm sao có thể đưa một chương trình với nội dung theo hướng quốc tế nhưng vẫn phải phù hợp với văn hóa Việt Nam. Sau một năm triển khai, các bạn học sinh thì vô cùng thích thú với chương trình với nhiều phản hồi tốt nhưng một số phụ huynh chưa hiểu rõ tại sao con họ nên học kịch và có liên quan gì với chương trình học.

Năm nay, để đưa môn kịch gần gũi hơn với việc học, mình có làm việc chặt chẽ hơn với các giáo viên ngữ văn để có thể đưa nhiều câu chuyện gần gũi hơn vào các lớp học. Lũ trẻ yêu thích môn kịch còn mình có niềm tin vào bộ môn nghệ thuật này, chắc chắn nó sẽ đem lại nhiều thành công hơn nữa trong năm học tới.

Khi cuộc sống và công việc đều có những thử thách, điều gì thực sự đã giúp anh có thể giữ vững tình yêu với việc giảng dạy?

Đơn giản thôi, niềm vui của lũ trẻ. Kịch nghệ cho phép các bạn học sinh có thể vượt ra ngoài nỗi sợ hãi của bản thân, rèn luyện khả năng về ngôn từ, khả năng suy nghĩ logic cũng như làm sao để hợp tác với bạn bè. Nhưng trên tất cả, đó là niềm vui từ một môn học. Mình thấy tự hào khi nhìn thấy các bạn học sinh có thể bộc lộ hết khả năng của mình và có được niềm say mê với nó. Thử thách lớn nhất của một giáo viên, với mình luôn luôn là làm sao để truyền tình yêu môn học với lũ trẻ. Đến thời điểm này, chắc mình đã làm được phần nào.

Xin cảm ơn thầy Ashley rất nhiều vì cuộc trò chuyện ngày hôm nay. 

Cùng với Hội nhập và Bản sắc Việt, Vượt thử thách là sứ mệnh đào tạo con người thứ ba tại Olympia. Vượt thử thách được hiểu không chỉ là những câu chuyện vượt khó vươn lên đầy kịch tính, cũng không chỉ là khi vượt qua được những cột mốc lớn lao trong cuộc đời. Vượt thử thách theo cách hiểu của Olympia, chính là từng bước nỗ lực và thay đổi ngày qua ngày từ những điều nhỏ nhất, là chiến thắng chính bản thân mình với những tiến bộ tầng bậc khác nhau. Một người con có thể kiên định hướng đích, có nội lực để vượt thử thách, bật lại dù cuộc sống có vất vả như thế nào sẽ là một người công dân có ích. Đó chính là sứ mệnh đào tạo và phát triển thứ ba của Olympia: Vượt thử thách.