Cách học mà chơi của môn toán lớp 6

Vào giờ học môn Toán 6, như thường lệ cô giáo viết tên bài học của ngày hôm đó: “Chủ đề 16: Các phép tính với phân số”. Thế nhưng, xuyên suốt tiết học này, thay vì hình ảnh quen thuộc thường thấy tại các lớp học là cô giảng trò ghi bài, ta lại thấy hình ảnh mỗi học sinh “chạy ngược chạy xuôi” tham gia vào một trò chơi vô cùng thú vị. Đó chính xác là những gì diễn ra trong một giờ Toán tại Olympia khi ứng dụng hình thức Lớp học đảo ngược (Flipped Classroom).

Cô Đặng Hương (giáo viên Toán khối 6 – phó hiệu trưởng trường TH&THCS Olympia) cho biết: “Flipped Classroom đã được triển khai từ nhiều năm trước tại Olympia nhưng chưa hẳn mang đến hiệu quả rõ rệt. Bởi hình thức dạy học này yêu cầu khả năng tự học cũng như kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của mỗi học sinh. Thêm nữa, việc xây dựng bài giảng thành ba phần khác nhau cũng là một khó khăn của giáo viên khi triển khai phương pháp này. Thế nhưng, đợt học trực tuyến vừa qua đã tạo một cú hích để Olympia cũng như các thầy cô có thể hoàn thiện hình thức dạy học này.”

Các bạn được chia thành các nhóm nhỏ để tham gia các nhiệm vụ khác nhau của bài học

Để triển khai hình thức dạy học này, các thầy cô đã chia tiết học thành ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Học sinh tự tìm hiểu kiến thức trước ở nhà 

Học sinh tự tìm hiểu nội dung bài học thông qua tài liệu thầy cô gửi. Những tài liệu này có thể là bài giảng bằng slide do chính thầy cô soạn thảo, những video hoặc các đường link, các trang học trực tuyến có sẵn trên Internet. Giai đoạn này thường được thực hiện dưới dạng nhiệm vụ học tập thay thế cho bài tập về nhà của cách dạy học thông thường.

Giai đoạn 2: Học sinh trao đổi, thảo luận và luyện tập trên lớp

Thầy cô sẽ tập trung vào phần trao đổi, thảo luận, lí giải những kiến thức mà học sinh còn chưa rõ ở giai đoạn 1. Sau đó là khoảng thời gian cho việc mở rộng hoặc đi sâu vào nội dung kiến thức bằng việc lồng ghép trong các hoạt động nhóm hấp dẫn như chơi trò chơi, giải mật mã, xây cầu, rút gỗ…

Giai đoạn 3: Tái hiện sau buổi học

Các bạn học sinh sẽ trình bày đầy đủ phần bài tập trong các trò chơi trên lớp để hiểu và ghi nhớ kĩ hơn bài học.

Nhóm học sinh đang thực hiện các thử thách của bài học

Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng tiếp tục khám phá tiết học của cô Đặng Hương trong chủ đề “Các phép tính với phân số”:

Với nội dung kiến thức “Tìm một số khi biết giá trị phân số của số đó”, học sinh được nhận tài liệu để tìm hiểu trước các kiến thức của tiết học tại nhà. Nhằm kiểm tra việc chuẩn bị cũng như sự hiểu bài của mỗi học sinh, cô sử dụng thêm ứng dụng Google Forms với các câu hỏi cơ bản liên quan đến nội dung tiết học. Thông qua kết quả trên ứng dụng Google Forms, cô biết được học sinh đang gặp khó khăn ở nội dung nào để từ đó làm cơ sở để xây dựng giáo án cho giai đoạn 2 khi cô và trò làm việc trực tiếp tại lớp học. Lúc này, thay vì giảng toàn bộ kiến thức, cô nhấn mạnh những phần mà học sinh chưa hiểu rõ, rồi dành phần lớn thời gian tổ chức trò chơi gắn với nội dung của bài học. Không chỉ có hình thức chơi mới mẻ, trò chơi này còn có các câu hỏi gắn liền với thực tiễn khiến các bạn học sinh cảm thấy Toán học thú vị và không hề “khô khan” như: Tính giá bán laptop của các cửa hàng điện tử sau khi khuyến mãi, tính số tiền cần phải thanh toán qua VNPAY, tính số tiền lãi khi gửi tiết kiệm ở ngân hàng …

Các thử nghiệm minh chứng cho các lý thuyết của bài học 

Khi được hỏi: “Tại sao phải học về các bài toán về phân số?”, bạn Phạm Bảo Chi (khối 6) tự tin chia sẻ: “Để mai này khi làm kinh doanh con có thể tính toán được chi phí lợi nhuận, tính toán được tiền lãi nếu gửi tiền vào ngân hàng.”  

Bảo Chi còn chia sẻ thêm: “Con rất thích cách học này vì thay vì chơi một mình ở nhà con sẽ đảo ngược lại, học trước ở nhà rồi chơi trực tiếp tại lớp cùng các bạn, thật sự vui hơn, hơn nữa con được ôn lại kiến thức đã tự học ở nhà trước đó.”

Ngoài ra, hình thức lớp học đảo ngược còn một điểm ưu việt khác rất quan trọng trong quá trình học tập của học sinh đó là tâm lý thoải mái, chủ động của học sinh mỗi khi bước vào lớp. Việc biết trước các nội dung của bài học sẽ tạo tâm lý làm chủ được kiến thức ở mỗi học sinh, qua đó thể hiện sự tự tin và hào hứng với mỗi tiết học.