Những bài kiểm tra không chỉ có giấy trắng mực đen

Giấy trắng mực đen
 
Nếu nhìn về lịch sử vài trăm năm của con đường học tập, chúng ta vẫn thấy câu chuyện của các bài kiểm tra giấy trắng mực đen qua những tấm ảnh xưa cũ. Thế giới đang thay đổi, tương lai của những bài kiểm tra cũng thay đổi. Olympia đã và đang làm gì để chuẩn bị tâm thế cho những điều như vậy?
 
Những bài kiểm tra sáng tạo, thoát khỏi “khuôn vàng thước ngọc” của giấy trắng mực đen để học sinh thỏa sức sáng tạo, thoải mái và thể hiện được bản thân nhiều hơn. Nếu có dịp tới Olympia vào những ngày cuối học kỳ, bạn sẽ thấy hàng chục cách kiểm tra độc đáo tùy vào mỗi bộ môn và cấp học. Olympia hiểu rằng, kỹ năng viết, làm bài kiểm tra trên giấy vẫn là điều vô cùng quan trọng nhưng hãy đem đến cho học sinh nhiều lựa chọn hơn để thể hiện năng lực bản thân.
 
“Concert âm nhạc” của toàn khối
 
Ngồi trên hàng ghế khán đài, cô Nguyễn Hải Yến, giáo viên âm nhạc của trường PTLC Olympia vỗ tay theo nhịp, chăm chú nhìn các bạn học sinh đang biểu diễn phía trước. Thỉnh thoảng cô quay sang trò chuyện với đồng nghiệp: “Không ngờ các con chơi tốt như vậy”. Đó là một buổi kiểm tra môn âm nhạc của học sinh khối 6.
 
 
Sân khấu nhà hát là của các bạn học sinh với rất nhiều các nhạc cụ. Học sinh khối 6 có thể lựa chọn nhạc cụ dân tộc hoặc nhạc cụ phương tây cho kỳ học của mình, đàn tranh hoặc đàn T’rưng với nhạc cụ dân tộc, trống hay piano với nhạc cụ phương tây. Mỗi học sinh sẽ có vài phút để thể hiện trọn vẹn một tác phẩm độc tấu với nhạc cụ mà mình đã chọn. 
 
Âm nhạc là điều không thể thể hiện trọn vẹn trên giấy, nó phải có chỗ đứng trên sân khấu để học sinh thể hiện năng lực của bản thân.  m nhạc không chỉ rèn luyện cho học sinh kỹ năng cảm âm, bổ trợ cho khả năng tư duy hay theo các em trên con đường chuyên nghiệp; âm nhạc giúp học sinh tự tin thể hiện bản thân, bộc lộ cá tính, những điều đôi khi không thể làm được qua ngôn từ.
 
Nhìn các học sinh tự tin trên sân khấu, quên đi áp lực của một bài kiểm tra khi ở dưới có rất nhiều bạn bè và cả bố mẹ, các thầy cô cũng phần nào hạnh phúc. Với nhiều giáo viên, việc làm sao để học sinh không sợ kiểm tra mà thực sự yêu thích, cũng như không sợ việc học, là điều trăn trở trong nhiều năm ròng.
 
Mô hình mô phỏng Liên Hiệp Quốc 
 
Sân chơi dành cho học sinh trung học phổ thông trở nên đa dạng hơn với nhiều hình thức kiểm tra phong phú và sáng tạo. Với các bạn học sinh khối 10, việc được tiếp cận với Mô hình mô phỏng Liên Hiệp Quốc (MUN) như một hình thức kiểm tra cho môn Tiếng Anh là một điều hết sức đặc biệt. Đó là một bài toán khó với các bạn học sinh khối 10 khi phải đặt mình vào vai các chính khách tới từ nhiều nước trên thế giới và tọa đàm về các vấn đề vốn không phải điều mà nhiều người trẻ 15 tuổi quan tâm. 

Học sinh cấp THPT tự tin đóng vai những chính khách để trình bày luận điểm và giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
 
Trái với sự rụt rè và bỡ ngỡ người ta có thể hình dung về một phiên họp như vậy, các bạn học sinh tham gia rất sôi nổi, hào hứng với kỹ năng tranh biện, thuyết trình, đặt vấn đề, thương thảo xuất sắc. Với các thầy cô, việc chấm điểm không phải điều được đặt nặng trong các bài kiểm tra đặc biệt như vậy. Giá trị cốt lõi là giúp học sinh được trải nghiệm thêm nhiều những điều mới, vượt qua khuôn khổ trường học. Đây cũng là dịp để các học sinh có thể khám phá bản thân, nhận ra những khả năng chưa được khai phá trong chính mình. 
 
Từ sân chơi MUN trường học, nhiều học sinh đã tự tin bước tới và thử thách bản thân với những hội đồng MUN thành phố, cọ xát và học hỏi với học sinh tới từ nhiều trường khác. Khi lớp học thoát khỏi 4 bức tường, khi bài kiểm tra thoát khỏi trang giấy trắng đơn thuần, học sinh được phát triển theo nhiều chiều với các kỹ năng được cải thiện rõ rệt, từ năng lực chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và nhiều phẩm chất khác. Qua từng cấp học, học sinh Olympia tiếp tục được trải nghiệm những hình thức kiểm tra độc đáo hơn: Trở thành các diễn giả với Tedtalk, Talent Show, nghiên cứu xã hội học, tái hiện lại các công trình, trận chiến qua mô hình cùng lịch sử địa lý, tổ chức triển lãm, báo cáo sản phẩm môn Văn trên sân khấu kịch....

Học sinh trên sân khấu TedxOlympia với chủ đề “Tôi là ai?”
Tiểu học và sân khấu kịch
 
Lớp học kịch nghệ cuối năm của thầy Ashley trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Các học sinh khối 4 đang chuẩn bị cho tiết kiểm tra vô cùng “đặc biệt” của mình - buổi công chiếu vở kịch Harry Potter. Không ai nghĩ đây là một tiết kiểm tra, cả thầy lẫn trò và những vị phụ huynh ngồi dưới háo hức nhìn thấy các con trên sân khấu.
 
 
Ánh đèn sân khấu vụt sáng, những cô bé cậu bé mới 8, 9 tuổi say sưa hóa thân vào nhân vật của mình: Harry Potter, Hermione, Ron Weasley… Nhiều phụ huynh bất ngờ vì không ngờ con có thể làm tốt như vậy. Không còn vẻ nhút nhát hay tinh nghịch trong những buổi học, tất cả học sinh đều mạnh dạn, tự tin thể hiện, nhập tâm vào từng lời thoại và hoạt cảnh, lưu loát thể hiện trình độ tiếng Anh.
 
Ai có thể nỡ lòng đưa kịch nghệ lên giấy và bắt học sinh làm bài kiểm tra? Kịch nghệ là thế giới của nghệ thuật, nhập tâm và nhập thân. Nếu coi đó là bài “kiểm tra”, học sinh không chỉ thể hiện được kiến thức mà còn bộc lộ được kỹ năng diễn xuất, sự tự tin, trình độ tiếng Anh và quan trọng nhất là cảm xúc của bản thân.
 
Quỳnh Anh, học sinh lớp 4 chia sẻ: “Ban đầu bọn con cũng sợ vì biết sẽ có bố mẹ ngồi dưới. Con có quên lời một chút nhưng thấy mọi thứ rất vui. Bọn con còn không biết đó là bài kiểm tra nữa”.
 
Bài kiểm tra, với nhiều người lớn, đôi khi chỉ là cách để đánh giá năng lực của học sinh theo những chuẩn mực cũ kỹ. Nhưng trong suy nghĩ của học sinh, mỗi bài kiểm tra còn là một kỷ niệm, một “dấu mốc” trên chặng đường học tập. Thấu hiểu điều đó, Olympia mong muốn qua 12 năm tại đây, các bạn học sinh đã thực sự có nhiều kỷ niệm, kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng để có thể đương đầu với các “bài kiểm tra” phức tạp hơn trên đường đời.
 
Vì ở đó, không còn là giấy trắng mực đen.