Xây dựng kết nối với con và ứng phó với những hành vi không mong đợi

Tất cả mọi trẻ em đều có những lúc hành xử không như mong đợi của các bậc phục huynh, đặc biệt là khi trẻ ở trong những tình huống dễ bị tổn thương như đói, ốm mệt, căng thẳng hay lo sợ. Những lúc như vậy, trẻ sẽ cần được chú ý nhiều hơn và chúng sẽ thường làm mọi cách để có được sự chú ý của người lớn. Tất cả những điều này là bình thường trong quá trình lớn lên của trẻ. Và tất nhiên là những điều này có thể khiến các bậc phụ huynh mệt mỏi, bực mình, thậm chí là phát điên. Tuy nhiên, nếu dành thời gian và sự quan tâm cho trẻ để đặt nền móng là một mối liên hệ tích cực vững chắc, phụ huynh sẽ thấy thú vị hơn nhiều trong việc nỗ lực nuôi dậy con cái.
  1. Tại sao trẻ con lại phản kháng?

Một trong những điều khó nhất trong việc dạy dỗ và nuôi nấng con cái có lẽ là việc ứng phó với sự phản kháng của chúng. Nếu bọn trẻ không bao giờ chống lại chúng ta, thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng không, chúng sẽ làm thế. Ai làm gì cũng có lý do của mình và tất nhiên bọn trẻ phản kháng vì chúng có lý do của chúng:

  • Muốn thu hút sự chú ý của người lớn, có được sự kết nối với người lớn. (Ví dụ: trẻ có thể có những hành vi gây phiền, mè nheo, khóc lóc)
  • Muốn thể hiện rằng mình cũng có “quyền lực” và sự kiểm soát trong cuộc sống của chính mình hoặc của người khác. (Ví dụ: trẻ làm ngược lại những gì người lớn yêu cầu)
  • Muốn “trả đũa”  hoặc “gỡ hòa” khi ai đó có những hành vi, cử chỉ, thái độ hoặc lời nói gây khó chịu cho chúng. (Ví dụ: trẻ sẽ có những hành vi, cử chỉ, thái độ hoặc lời nói đáp trả để xúc phạm hoặc làm tổn thương người đã gây khó chịu cho mình)
  • Muốn né tránh sự thất bại/thất vọng vì không muốn trải nghiệm cảm giác khó chịu ấy. (Ví dụ: trẻ bỏ cuộc, từ chối không tham gia hoạt động).

Khi trẻ thể hiện sự phản kháng bằng những hành vi không mong đợi như vậy có thể khiến người lớn nảy sinh những cảm xúc khó chịu, một số người có thể có xu hướng “trừng phạt” hoặc “chịu thua”. Đó đều không phải là những cách tối ưu để vượt qua sự phản kháng của trẻ.

Vậy người lớn có thể làm gì? Xây dựng sự kết nối tích cực với trẻ. Đây chính là cách bền vững nhất để giảm thiểu sự phản kháng và vượt qua nó cũng như gia tăng những hành vi mong đợi của trẻ. Người ta có xu hướng làm hài lòng những người mà họ yêu quý, có mối quan hệ tích cực với họ.

2. Một vài cách để xây dựng kết nối sâu sắc hơn với con bạn:

Mỗi một lần người lớn tương tác với trẻ thông qua trò chuyện, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và tham gia hoạt động cùng trẻ là một cơ hội để tô đậm và làm dày thêm sợi dây kết nối với trẻ. Phụ huynh hãy tận dụng quỹ thời gian ít ỏi của mình để dành ra 10 – 30 phút trọn vẹn tham gia một hoạt động với con. Hãy tạo ra một danh sách các hoạt động mà trẻ thích và phụ huynh cũng thấy thú vị bằng một vài gợi ý sau:

  • Hỏi trẻ những gì chúng muốn làm và cách mà chúng sử dụng thời gian.
  • Tạo điều kiện, giúp đỡ trẻ ở những công việc mà chúng thể hiện sự hứng thú.
  • Rủ trẻ cùng tham gia một trò chơi hoặc một câu đố.
  • Hãy để trẻ chọn cuốn sách tiếp theo mà phụ huynh sẽ đọc cho trẻ nghe.
  • Rủ trẻ cùng tham gia vẽ hoặc làm thủ công.
  • Nằm xuống sàn hoặc ngồi vào bàn với trẻ và tham gia vào bất cứ điều gì chúng đang làm, để trẻ là người chủ động.

Khi phụ huynh đã tìm ra được hoạt động trẻ yêu thích thì hãy tham gia cùng trẻ một cách trọn vẹn bằng cách:

  • Dồn toàn bộ sự tập trung chú ý vào con, mô tả những điều con đang làm thay vì ra mệnh lệnh.
  • Chỉ bảo, ghi nhận và khen ngợi nỗ lực của con thay vì phán xét/đánh giá.
  • Lờ đi một vài hành động không phù hợp nhỏ thay vì liên tục điều chỉnh hành vi. (Ví dụ: để đồ đạc hơi bừa bộn khi làm thủ công nhưng không quá ảnh hưởng tới người khác. Đây chưa phải là hành vi PH mong đợi nhưng trong giới hạn chấp nhận được)

Hãy biến khoảng thời gian ở bên con thành khoảng thời gian đặc biệt và duy trì nó hàng ngày như một thói quen.

  • Giao tiếp hiệu quả:
Mệnh đề tích cực: Bố/Mẹ yêu màu sắc mà con đã chọn cho những bông hoa trong bức tranh của mình!
  • Mệnh đề tiêu cực: Bức tranh của con trông rất xấu.
  • Mệnh đề trung tính: Con đã vẽ một bông hoa màu đỏ, một bông hoa màu xanh và một bông hoa màu vàng trong bức tranh của mình.
  • Mệnh đề chỉ thị: Hãy vẽ một bông hoa màu xanh, một bông hoa màu đỏ và một bông hoa màu vàng lên giấy của con.
  • Câu hỏi: Con muốn vẽ hoa của mình màu gì?
  • Các từ ngữ và âm điệu mà chúng ta sử dụng có tác động rất lớn đến việc một đứa trẻ sẽ hợp tác hay chống lại. Mục tiêu là tăng các kiểu câu tích cực, trung tính và câu hỏi; loại bỏ các kiểu câu tiêu cực và hạn chế các câu chỉ thị.

    Tất cả chúng ta đều cần tương tác tích cực. Nhà khoa học nổi tiếng về mối quan hệ John Gottman đã thực hiện một số nghiên cứu khoa học và nhận thấy rằng để mối quan hệ thành công và phát triển, với mỗi tương tác tiêu cực thì con người lại cần 5 tương tác tích cực. Điều đó nghe có vẻ rất nhiều, nhưng một tương tác tích cực có thể là một nụ cười, một cái chạm nhẹ vào vai hoặc một số từ ngữ thể hiện tình yêu và sự khích lệ.

    • Khen ngợi và ghi nhận sự nỗ lực
    Con thật thông minh!
  • Bức tranh của con rất đẹp!
  • Khen ngợi và ghi nhận sự nỗ lực:

    • Bố/Mẹ nhận thấy rằng con đã dành cả buổi sáng để giải câu đố đó!
    • Bố/Mẹ thấy rằng con đã thực sự rất tỉ mỉ trong việc lựa chọn màu sắc cũng như pha màu để tô bức tranh đó!

    Việc kết hợp lời khen với một câu hỏi cũng sẽ mang lại hiệu quả để thúc đẩy động cơ và khơi gợi niềm cảm hứng cho trẻ. Ví dụ:

    • Bố/Mẹ nhận thấy rằng con đã dành cả buổi sáng để giải câu đố đó! Con có muốn làm một câu đố khác vào tuần tới không?
    • Bố/Mẹ thấy rằng con đã thực sự rất tỉ mỉ trong việc lựa chọn màu sắc cũng như pha màu để tô bức tranh đó! Con có muốn thực hiện một dự án nghệ thuật của riêng mình trong tuần này?
    Thiết lập ranh giới

    Khi phụ huynh đã làm tốt tất cả những điều trên thì vẫn có khả năng trẻ có những hành vi không mong đợi. Vì thế một việc tiếp theo mà phụ huynh có thể làm là thiết lập ranh giới để trẻ biết điều gì được làm và điều gì không được làm.

    Khi thiết lập ranh giới với trẻ, người lớn không chỉ làm điều đó một lần mà là rất nhiều lần và đây là một việc đầy thách thức. Trẻ em không thể phát triển các kỹ năng tự điều chỉnh chỉ thông qua một sự kiện, nó là cả một quá trình và cần rất nhiều lời nhắc nhở,  hỗ trợ thường xuyên từ người lớn.

    Một phần rất lớn của việc thiết lập ranh giới là thực hiện duy trì đúng với những gì người lớn nói. Điều này có nghĩa là, khi phụ huynh nói rằng sẽ đưa con đến công viên sau khi chúng dọn dẹp phòng của chúng thì khi trẻ đã hoàn thành như đã thỏa thuận, hãy giữ đúng thỏa thuận và đưa trẻ đến công viên!

    Nếu phụ huynh nhận thấy con mình đang đẩy lùi các ranh giới, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:

    • Mình có nhất quán trong lời nói và hành động không? (ví dụ: Tôi có theo dõi không?)
    • Mình có xây dựng kết nối với con bằng cách tìm hiểu những gì chúng thích làm và cách chúng muốn đóng góp cho cuộc sống gia đình?
    • Mình có quan tâm để đảm bảo rằng có nhiều tương tác tích cực với con hơn là tiêu cực không?
    • Mình có tăng cường sử dụng các mệnh đề tích cực, nhận biết và câu hỏi trong khi giảm thiểu các chỉ thị/mệnh lệnh không?
    • Mình đã rõ về những kỳ vọng và ranh giới là gì chưa? Việc kiểm tra lại với trẻ để xem chúng có hiểu những mong đợi và ranh giới không là điều quan trọng. Nếu không, đó là cơ hội của ta để giải thích cho đến khi trẻ hiểu.
    • Mình đã đặt ra những hệ quả phù hợp trong trường hợp con vượt qua các ranh giới chưa?

    Ở Olympia, các giáo viên đều được đào tạo về phân tích hành vi của học sinh để xác định chức năng của những hành vi chưa phù hợp, từ đó có những chiến lược can thiệp hành vi hiệu quả. Đồng hành với các giáo viên, các thành viên trong ban hỗ trợ học sinh và chuyên viên tâm lý cũng tham gia vào quá trình này.

    Với quan điểm “Maslow before Bloom”, các giáo viên ở Olympia tập trung vào việc kết nối với học sinh và phát triển các kỹ năng cảm xúc – xã hội cho các con thông qua những tương tác tích cực. Thời gian ngồi vòng tròn (Circle time) được triển khai ở các lớp học từ 1-4 trong khung giờ LiFE để học sinh có cơ hội kết nối tích cực với bạn bè và thầy cô. Trong vòng tròn, học sinh được chia sẻ về những băn khoăn hay lo lắng của mình, những điều mình làm tốt và đón nhận những lời khen từ bạn bè và thầy cô. Tất cả các lớp học đều có quy ước lớp học được xây dựng từ đầu năm kèm theo hệ thống ghi nhận cũng như các hệ quả để học sinh nhận biết được các ranh giới.

    Trong hoạt động học tập cũng như tương tác xã hội, giáo viên tập trung vào ghi nhận quá trình của học sinh thay vì ghi nhận vào kết quả. Vào những buổi vinh danh tuần hay vinh danh tháng, lời ghi nhận dành cho các con là mô tả chi tiết về những nỗ lực con đã bỏ ra để ăn được rau, để viết được chữ thẳng hàng, để vào lớp đúng giờ,…

    Tài liệu tham khảo:

    Dweck, C. S. (2008). Mindset: The new psychology of success. Random House Digital, Inc..

    Letty Rising & Kristen Richter Brown (2020). Survival Guide for Parents of 6-12. Montessori Parent: Coronavirus Survival Guide – Thriving in an era of extended school closures, Trillium Montessori.

    Lê Văn Hảo (2009). Phương pháp kỷ luật tich cực: Tài liệu hướng dẫn cho tập huấn viên. Tổ chức Plan tại Việt Nam.