Hướng dẫn PH Tiểu học xây dựng môi trường gia đình thú vị mùa Covid-19

Thành phố đã nới lỏng cách ly, nhưng có lẽ không gian học tập và lớn lên của con trẻ vẫn sẽ chưa thể có nhiều thay đổi ngay lập tức trong thời gian tới. Khi con lớn lên "trong nhà", cha mẹ làm thế nào để có thể xây dựng môi trường gia đình đủ thú vị và lành mạnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc học tập, vui chơi và phát triển của con?

Cô Tô Hoan, chuyên viên tâm lý trường Olympia, đã chia sẻ một vài tips rất hữu ích về việc xây dựng môi trường gia đình thiết thực dưới đây.

1. Thiết lập các không gian trong nhà

Phụ huynh có thể tạo ra một "lớp học Montessori" - sự kết hợp của một ngôi nhà ấm cúng, một studio nghệ thuật, một phòng thí nghiệm khoa học và một thư viện. Phụ huynh có thể thiết lập một khu vực cho nghệ thuật và thủ công trong nhà, và bếp là một nơi hoàn hảo cho các thí nghiệm khoa học, chọn 1 góc trong phòng khách làm thư viện đọc sách, bàn học cá nhân ở trong phòng riêng/phòng làm việc,…

Việc phân tách và quy ước một số khu vực nhất định trong nhà giúp cấu trúc hóa ngôi nhà để trẻ dễ dàng tổ chức, sắp xếp các hoạt động . Một phần là do độ tuổi này, kỹ năng tổ chức sắp xếp (một trong những kỹ năng thuộc chức năng điều hành tổng thể) của trẻ còn hạn chế. Bên cạnh đó, trẻ sẽ thiết lập được thói quen như cứ vào khu thủ công là chỉ làm thủ công, vào khu thư viện là đọc sách,…(một cách điều kiện hóa theo lý thuyết của Pavlov).

2. Tối đa hóa các vật dụng sẵn có
Thu thập tất cả những vật dụng có thể tái chế như giấy báo cũ, các hộp đựng, bao bì, thùng carton, lõi giấy vệ sinh,…và cất giữ vào một khu vực cố định để trẻ có thể lấy và sử dụng cho các dự án của mình. Hãy để trẻ chủ động thực hiện việc thu thập và cất giữ này. Khi trẻ có một dự án, hãy để trẻ lên kế hoạch, tìm kiếm và huy động tối đa các nguồn lực sẵn có tại nhà.

Trẻ cũng sẽ cần một nơi sắp xếp các đồ dùng bút chì, bút chì màu, bút mực, bút đánh dấu, giấy trắng, giấy lót, giấy xây dựng, kéo, keo dán, băng keo, cục tẩy, thước kẻ, kim bấm, la bàn, dây, sợi,… những thứ mà trẻ sẽ cần để làm dự án. Những vật dụng này nên được đựng trong các thùng lớn và đặt gọn gàng trên một loại kệ nào đó để trẻ có thể lấy và tự cất khi chúng dùng xong. Ngoài ra, phụ huynh phát triển một hệ thống lưu trữ cho các giấy tờ của trẻ, được sắp xếp ở một nơi và dễ đàng tìm được.

3. Xây dựng kho sách tham khảo
Gợi ý một số cuốn sách:

  • Bộ sách khỏe về thể chất và tinh thần (4 cuốn): cung cấp những lý thuyết và bài thực hành dễ hiểu cho trẻ để rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Bộ bách khoa tri thức tương tác của NXB Đinh Tị: có các trang sách tương tác kích thích sáng tạo và phát triển đa giác quan ở trẻ.
  • Sách kết hợp công nghệ AR (Augmented Reality): Các ứng dụng kèm theo sách giúp trẻ được nhìn những hình ảnh 4D sống động kèm các hoạt động và trò chơi tương tác trên ứng dụng.
  • Một số website sách miễn phí cho trẻ em:

 

https://www.oxfordowl.co.uk/

https://www.storylineonline.net/

https://www.amazon.com/Best-Sellers-Kindle-Store-Childrens-eBooks/zgbs/digital-text/155009011/ref=zg_bs?_encoding=UTF8&tf=1

4. Tạo cho trẻ sự độc lập tối đa

  • Một chiếc ghế đẩu để trẻ có thể tự lấy một số đồ dùng trên cao
  • Các hộp đựng vật dụng cố định (sử dụng hộp đựng tái chế) và quy ước để trẻ lấy và cất đồ đúng vị trí
  • Xây dựng lịch trình cá nhân mỗi ngày

Lịch trình tham khảo cho cha mẹ, đảm bảo đủ các hoạt động theo lý thuyết "The healthy mind platter" của David Rock, Daniel J.Siegel, Steven A.Y Poelmans và Jesssica Payne)

5. Những kiến thức cốt lõi
Hỗ trợ chung: Xem xét những bài học mà trẻ đã làm khi còn đi học. Xem lại phần chữa lỗi, lưu ý của giáo viên – những phần mà giáo viên yêu cầu trẻ làm lại.

Gửi đến con thông điệp lỗi sai không có gì xấu, đơn giản chỉ là dành thời gian để thử lại lần nữa. Hãy xem những lỗi sai là cơ hội để hiểu thêm về suy nghĩ của trẻ.

  • Làm sao để làm toán đúng?*

Có phải trẻ em đã nắm được quy trình cơ bản chính xác và chỉ mắc lỗi về tính toán, HAY trẻ bị hổng kiến thức? Lỗi tính toán có thể cải thiện bằng cách thảo luận về nó và nhắc nhở trẻ làm bài cẩn thận hơn. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ không hoàn toàn hiểu những gì chúng đang làm, thì đây chính là thời gian để giải quyết vấn đề này. Chúng ta muốn đảm bảo rằng các kiến thức được trẻ tiếp nhận chính xác ngay từ ban đầu.

  • Lỗi chính tả (do đánh vần sai?)(*)

Chỉ sửa lỗi chính tả sau khi trẻ đã hoàn thiện xong bài viết của mình. Nếu trẻ liên tục hỏi cách đánh vần một từ nào đó, hãy khuyến khích trẻ viết tiếp. Nếu trẻ vẫn tiếp tục gặng hỏi, hãy đề nghị trẻ sử dụng từ điển cá nhân hoặc đánh dấu từ đó lại và PH sẽ xem xét từ đó sau. (Từ điển cá nhân là một cuốn từ điển nhỏ, thường chỉ là một bảng ghi nhớ, viết những từ mà trẻ cảm thấy khó khăn để ghi nhớ).

  • Làm sao để đúng chính tả?(*)

Có thể sửa lỗi chính tả nếu làm theo các cách sau: (*)

+ Đặt văn bản gốc ngay sát bên cạnh khi sao chép văn bản.

+ Đánh dấu những từ cần chú ý, có thể viết sai.

+ Luyện tập cho trẻ khi học đánh vần và từ vựng.

6. Những dự án cá nhân
Một vài gợi ý dự án cá nhân:
- Phát triển góc xây dựng
- Tạo ra mật mã của riêng mình
- Viết nhật ký thiên nhiên
- Làm rối tay từ tất cũ và tổ chức biểu diễn múa rối
- Thống kê các thiết bị điện trong nhà
- Thiết kế và làm board game của riêng mình
- Thiết kế và tạo ra thử thách vượt chướng ngại vật hoặc sasuke trong nhà
- Viết 1 vở kịch hoặc một bài hát/bài rap
- Tạo mô hình tái chế
- Vẽ bản đồ khu vực mình ở
- Theo dõi thói quen của một loài động vật

---------------
Một vài thông tin về cô Tô Hoan:

  •  Chuyên viên tư vấn tâm lý cấp Tiểu học Olympia với 6 năm kinh nghiệm trong nghề
  • Tốt nghiệp loại xuất sắc khoa tâm lý đại học Sư phạm Hà Nội
  • Là tác giả và đồng tác giả của nhiều bài viết khoa học trong các hội thảo tâm lý trong nước và quốc tế