Tham dự "Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng Liên hợp quốc" trực tuyến của Olympia

“Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng Liên hợp quốc” là một dự án học tập bộ môn Lịch sử của các bạn học sinh khối 9, được đánh giá cho điểm hệ số 2. Đây là hình thức học tập mô phỏng lại các hội nghị cấp cao quốc tế để học sinh hóa thân thành các chính trị gia bàn luận về các chủ đề “thời sự” đang diễn ra trên thế giới. Chủ đề được lựa chọn họp bàn tại hội nghị là các vấn đề về ô nhiễm môi trường và các giải pháp để “Cứu lấy trái đất”.

Trước đó, để tổ chức hội nghị này, các bạn học sinh đã có những tiết học tìm hiểu về tổ chức Liên hợp quốc và các quốc gia mà mình đại diện. Với chủ đề “Hãy cứu lấy trái đất!”, các thành viên tham dự hội nghị được chia làm 5 tiểu ban: Rác thải, Băng tan, Khai thác năng lượng thiên nhiên, Bảo vệ những lá phổi xanh, Công nghệ và những mặt trái của nó. Sau đó, mỗi nhóm phải tìm kiếm các thông tin, tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau về vấn đề “Ô nhiễm môi trường” sau đó cùng họp bàn thảo luận để đưa ra những giải pháp thiết thực hiệu quả hạn chế tình trạng trên ở phạm vi toàn cầu và tại quốc gia của mình.

5 tiểu ban được thành lập trong “Hội nghị thượng đỉnh Đại hội đồng Liên hợp quốc” 

Đây là hình thức học tập của môn Lịch sử tổ chức thường niên được các bạn học sinh yêu thích vì được tiếp nhận kiến thức một cách sáng tạo và chủ động tìm kiếm thông tin, cập nhật được những vấn đề “thời sự” của thế giới. Thông qua các “báo cáo” trình bày trong hội nghị, các bạn học sinh còn được nói lên ý kiến và quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội mang tầm vĩ mô và cùng lan tỏa những thông điệp ý nghĩa đến với cộng đồng nhỏ Olympia. Hình thức tổ chức “hội nghị” còn giúp các bạn rèn luyện các kỹ năng: làm việc theo nhóm, thuyết trình, phản biện, tổng hợp và phân tích thông tin… Ngoài ra, các bạn còn có được những trải nghiệm thú vị khi được hóa thân thành chính trị gia lớn của một đất nước có phong thái và ý thức trách nhiệm với những phát ngôn và hình ảnh của bản thân.

Báo cáo của Tiểu ban Rác thải trong Hội nghị

Cô Trần Vân Khánh, giáo viên Lịch sử và là chủ nhiệm dự án chia sẻ: “Hình thức học tập “mô phỏng hội nghị cấp cao” trước hết sẽ tạo ra sự mới mẻ, thú vị cho học sinh khi tiếp nhận kiến thức đồng thời giúp các bạn rèn luyện những kỹ năng mềm. Ngoài ra, thông qua dự án này, tôi có thể nhìn thấy học sinh của mình ở nhiều khía cạnh khác nhau, tạo cơ hội cho các bạn được thể hiện những điểm mạnh của mình, khám phá được những ưu điểm của bản thân giúp các em tự tin, phát huy năng lực”.