Hướng dẫn PH Mầm non xây dựng môi trường gia đình thú vị mùa Covid-19

Với độ tuổi trẻ mầm non, cha mẹ có thể làm gì để cùng con có khoảng thời gian "lớn lên" trong nhà lành mạnh và thú vị?

 

1. Thiết lập lịch trình hàng ngày cho trẻ: sử dụng hình ảnh minh họa (tìm kiếm các ảnh clipart trên mạng và in ra); để tăng sự tham gia của trẻ thì có thể cho trẻ tự vẽ ra các hoạt động trong ngày; PH cũng có thể sử dụng ảnh chụp trẻ thực hiện các hoạt động trong ngày (ăn uống, đánh răng, vui chơi,...) để làm lịch trình hàng ngày bằng hình ảnh. PH có thể làm thành 1 tập flashcard hình ảnh các việc trong ngày hoặc làm một bảng công việc bằng hình ảnh (hoạt động nào đã thực hiện xong sẽ được gỡ ra để vào giỏ “Hoàn thành”).

2. Thời gian ngủ: Cho trẻ ngủ đủ giấc để đảm bảo sự phát triển của não bộ, cân bằng sinh học và điều hòa cảm xúc (Trẻ mầm non cần 10-13 giờ/ngày bao gồm cả ngủ trưa; trẻ Tiểu học cần 9-10 giờ/ngày). Để trẻ ngủ ngon trong bóng tối và không hoạt động quá mạnh hay sử dụng thiết bị điện tử trong khoảng 1 giờ trước khi ngủ.

3. Khuyến khích sự độc lập: trao cho trẻ một số trách nhiệm trong gia đình để trẻ thực hiện (ví dụ: lau giá sách, hỗ trợ dọn dẹp bàn ăn,...), để trẻ có trách nhiệm với những thứ thuộc về mình (ví dụ: sắp xếp đồ chơi, cất quần áo của mình,...), tạo điều kiện cho trẻ một không gian để tự thực hiện một số hoạt động hay nhiệm vụ của mình (ví dụ: sắp xếp lại những mẩu giấy vụn hoặc tờ giấy rời của mình).

4. Thiết lập vòng tròn hoạt động để tăng tính tự lập và trách nhiệm của trẻ: 1-Lấy dụng cụ, 2-Mang đến nơi thực hiện (bàn hoặc sàn), 3-Thực hiện hoạt động/nhiệm vụ, 4-Dọn dẹp đồ dùng, 5-Cất đồ vào giá.

5. Tạo điều kiện cho trẻ được hoạt động thể chất. Trẻ ở độ tuổi mầm non đang trong giai đoạn phát triện mạnh về vận động nên cần được tạo nhiều điều kiện để hoạt động thể chất cho các nhóm cơ lớn của cơ thể được hoạt động. Nếu nhà có sân vườn thì có thể cho trẻ tham gia các hoạt động như đào xới đất, trồng cây, vận chuyển các khối gạch đá,...Nếu gia đình sống trong căn hộ chung cư thì có thể cho trẻ di chuyển một số đồ vật trong nhà, cho trẻ lau nhà bằng cây lau nhà hoặc dùng chổi. Viện Nhi khoa Hoa kỳ đưa ra khuyến nghị trẻ cần được hoạt động ngoài trờ 90-120 phút/ngày.

6. Tiếp tục ôn luyện các môn học cho trẻ bằng một vài cách đơn giản mà không gò bó vào sách vở như:

+ Quan sát các hình dạng, màu sắc của đồ vật trong nhà

+ Cảm nhận các vật liệu, độ nhám và độ mịn của các vật liệu trong nhà

+ Lắng nghe các âm thanh, cường độ của các âm thanh (to hay nhỏ), các lớp âm thanh (xa hay gần), nhịp độ âm thanh, các giai điệu, các kiểu hình âm thanh của mọi thứ xung quanh.

+ Quan sát các không gian và nhận biết các mùi, xem các mùi đó gợi nhớ đến điều gì.

+ Nếm các vị khác nhau (chua, cay, đắng, mặn, ngọt,...)

+ Nhận biết sự khác biệt về kích cỡ của các đồ vật trong nhà (cao, ngang, rộng, sâu,...)

+ Quan sát các mẫu hình xây dựng, kiến trúc quanh nhà.

7. Một vài cách để tạo dựng môi trường lớp học trong nhà cho trẻ, khuyến khích tính tò mò và ham hiểu biết cho trẻ:
+ Cho phép trẻ tự khám phá một cách độc lập

+ Tối thiểu hóa các chỉ dẫn

+ Cho phép trẻ làm theo cách của chúng

+ Cho trẻ thời gian để thực hiện

+ Đi theo sự dẫn dắt của trẻ

+ Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi

+ Cho phép trẻ tự mình tìm kiếm câu trả lời

+ Hướng dẫn và cung cấp cho trẻ những nguồn tài nguyên tham khảo đáng tin cậy

+ Để việc học diễn ra theo hướng ứng dụng và thực tế

+ Khuyến khích trẻ tạo ra các mẫu hình hoặc sơ đồ để giải thích về những điều chúng khám phá được

+ Cho trẻ thời gian và cho phép chúng tạo ra một chút hỗn độn để khám phá.

8. Bố mẹ có thể cho trẻ thực hiện một số thí nghiệm để khám phá thế giới xung quanh. Phụ huynh hãy tham gia cùng trẻ với tối thiểu các chỉ dẫn là một điều mấu chốt. Dưới đây là một số gợi ý cho phụ huynh:

+ Để trẻ lặp lại thí nghiệm/hoạt động bao nhiêu lần mà trẻ muốn. Chúng làm đi làm lại là để kiểm tra giả thiết mà chúng vẽ ra trong đầu. Chúng đang cố gắng làm rõ giả thiết ấy mỗi lần chúng làm thí nghiệm.

+ Đặt ra các câu hỏi cho trẻ và không đưa ra câu trả lời. Đưa ra một vài khuyến nghị cho trẻ nếu trẻ bị bế tắc hoặc cảm thấy thất vọng (Ví dụ: Phụ huynh hãy nói “Bố/Mẹ băn khoăn có phải nó bị chìm vì nó quá nặng? Thử kiểm tra xem nào” thay vì “Nó bị chìm vì nó quá nặng.”)

+ Giúp trẻ quay/ghi lại những điều chúng thực hiện khi mà chúng chưa biết đọc/viết/vẽ. Nếu trẻ có thể tự minh họa những thứ chúng làm thì hãy để chúng tự làm.

+ Hãy ăn mừng những khám phá mới của trẻ để chúng cảm thấy rằng chúng đã giải quyết và khám phá ra một điều bí ẩn, kỳ diệu. Điều này khuyến khích sự tò mò và động lực khám phá của trẻ.

9. Tăng cường vốn từ vựng cho trẻ. Bố mẹ có thể nhờ trẻ lên danh sách nguyên liệu cần mua cho bữa tối hay đồ dùng gia đình để cung cấp thêm vốn từ vựng cho trẻ, nói chuyện với trẻ về một số chủ đề mà trẻ quan tâm hay thảo luận với trẻ về một cuốn sách mới đọc. Một vài câu hỏi mà phụ huynh có thể hỏi trẻ để khuyến khích các cuộc hội thoại về một câu chuyện trong cuốn sách như:

+ Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra?

+ Con sẽ làm gì?

+ Nhắc lại cho bố/mẹ biêt điều gì đã xảy ra ở đầu câu chuyện?

+ Ồ, bố/mẹ quên mất rồi, các nhân vật trong câu chuyện là ai nhỉ?

+ Đâu là phần mà con thích nhất trong câu chuyện? Tại sao?

10. Sử dụng các hoạt động nghệ thuật như một cách để tạo dựng sự kết nối với trẻ. Trẻ ở độ tuổi này rất phát triển về trí tưởng tượng nên các hoạt động sáng tạo nghệ thuật hay có tính tưởng tượng đều hấp dẫn với trẻ. Nghệ thuật mang lại nhiều lợi ích cho trẻ và giúp trẻ học được nhiều kỹ năng như giải quyết vấn đề, vận động tinh, phối hợp vận động giữa tay và mắt, nâng cao lòng tự trọng, sự tự tin và tạo ra các đường liên hệ thần kinh mới trong não bộ. Một số hoạt động nghệ thuật liên quan đến các kỹ năng khác nhau mà PH có thể cùng làm với trẻ như: cắt dán, vẽ, sơn màu, gấp giấy, nặn đất, thêu thùa, ghép tranh, hoặc bất kỳ cái gì mà trẻ nghĩ ra. Một vài câu hỏi mà phụ huynh có thể hỏi trẻ khi làm sáng tạo nghệ thuật như:

+ Con đã làm nó như thế nào vậy?

+ Con đã làm gì trước tiên?

+ Con có biết được con sẽ làm được gì ngay lúc con bắt đầu?

+ Nói cho bố/mẹ biết câu chuyện trong bức tranh của con?

+ Tác phẩm này có tên là gì?

+ Con nghĩ gì khi con làm tác phẩm này?

+ Con có thể kể về cách mà con đã kết hợp các đường nét, màu sắc, hình khối để làm ra tác phẩm này?

--------------------------

Bộ hướng dẫn được biên soạn bởi cô Tô Thị Hoan, chuyên viên Tâm lý học đường tại Olympia.

Một vài thông tin về cô Tô Hoan:

  •  Chuyên viên tư vấn tâm lý cấp Tiểu học Olympia với 6 năm kinh nghiệm trong nghề
  • Tốt nghiệp loại xuất sắc khoa tâm lý đại học Sư phạm Hà Nội
  • Là tác giả và đồng tác giả của nhiều bài viết khoa học trong các hội thảo tâm lý trong nước và quốc tế