Nà Lốc ơi ...

Những ngày cuối năm. Cuộc sống vẫn chảy trôi và dòng đời vẫn xô bồ theo một nhịp điệu hối hả. Mấy ai có thể thoát khỏi nhịp đời mà dành một khoảng lặng cho riêng mình.

Cuộc sống tấp nập, xô bồ ngoài kia chẳng cho ai một phút mà trễ nải, mà nghỉ ngơi, mà chầm chậm nói lời yêu thương ... Trước khi sự kiện "Winter Festival 2014" diễn ra, chúng tôi tạm rời xa vòng xoáy của công việc chốn văn phòng, xách balo lên và đi. Những mong sẽ có góc máy chân thực và tinh tế để có thể truyền tải thông điệp đến Olympian một cách chân thực và xúc cảm nhất. Người ta thường nói rằng: "Nơi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Nơi ta đi đất đã hoá tâm hồn” quả không sai. Hành trình tới Lạng sơn tuy chỉ kéo dài một ngày, nhưng mảnh đất ấy đã ghi dấu hồn chúng tôi từ bao giờ …

IMG_0871

5h30p ngày 05/12, xe bắt đầu lăn bánh từ Olympia. Điểm đến là Trường tiểu học Nà Lốc, xã Tú Xuyện, huyện Văn Quan, một ngôi trường thiếu thốn cơ sở vật chất đến mức khó tin. Suốt chặng đường dài gần 200km, ai trong chúng tôi cũng đăm chiêu với những tưởng tượng của mình, nhất là Quang Đạt (lớp 2A3 – Olympia). Lần đầu tiên rời phố thị, khám phá một vùng đất mới, một ngôi trường trên núi, chắc cậu bé háo hức lắm. Đến nơi lúc 8h30 cùng ngày, ai cũng thấm mệt vì vừa phải lắc lư theo xe vượt 10km đường đèo. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến đây là lạnh, khô và buồn nữa. Nếu ở Hà Nội giờ này chắc  tấp nập và ồn ào lắm, nhưng không khí và cảnh vật ở đây thì ngược lại, hoang sơ và im lìm. Thưa thớt một hai mái nhà bị cơn gió mùa Đông Bắc và cái bạt ngàn của núi rừng nuốt gọn. Xuống xe, để tránh cái lạnh, chúng tôi khoác lên người những chiếc áo, chiếc khăn dày nhất.

Nhưng ngó quanh, tôi vẫn chưa thấy ngôi trường nào cả. Trước mặt là một con đường đất ngoằn ngoèo theo sườn một ngọn núi. Chợt nhớ lại lời trưởng đoàn trong giờ họp trước ngày lên đường: "để đến được trường chúng ta phải vượt qua đoạn đường đất sình lầy dài chừng 4 km, các đồng chí chuẩn bị trang phục và tinh thần nhé". Cả đoàn cười, vẫn nghĩ trưởng đoàn "dọa tinh thần". Nhưng đây là thật, con đường đất lấp ló sau sườn núi như thách thức và trêu ngươi chúng tôi. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao ekip làm phim đã phải lên trước một ngày để tiếp cận hiện trường quay. Nhìn xuống Quang Đạt, gương mặt con đã biến sắc, trong lòng có chút lo lắng. Lần đầu tiên con thấy đoạn đường đất lầy như vậy, lại một lần đầu tiên nữa trong chuyến đi của cậu bé thành phố. Chừng 5 phút sau, 3 người đàn ông trên 3 chiếc xe Wave lần lượt xuất hiện từ con đường đất. Sau màn giới thiệu chào hỏi, tôi mới biết đó là 3 thầy giáo của trường tiểu học Nà Lốc. Thầy phó hiệu trưởng đã cử các thầy xuống đón chúng tôi. Tôi vẫn chưa kịp hình dung đoàn chúng tôi sẽ leo núi bằng những chiếc xe Way trên con đường lầy này thì đã bị giục lên xe. Yên vị trên xe thầy Phúc cùng với Quang Đạt, tôi không dám mở mắt.

Đường quá lầy và trơn, lại dốc nữa, nếu sơ sẩy một chút là sẽ bị ngã lăn xuống vực, tôi cố gắng bám thật chặt vào áo Thầy. Vừa lái xe, Thầy vừa chia sẻ: "đoàn mình lên hôm nay là may đấy ạ, đường có lõng đi, xe vẫn còn leo được, chứ mấy hôm trước anh em chúng tôi toàn phải để xe dưới chân núi, cùng sắn quần bì bõm leo bộ với các em học sinh thôi". Tôi mỉm cười nhưng lòng đau nhói. Tôi đã thấu hiểu nỗi khó khăn nhọc nhằn của thầy trò nơi đây.

IMG_0839

Đi hết con đường đất, chúng tôi đến trước cổng trường tiểu học Nà Lốc. Đón tiếp chúng tôi là các thầy cô cùng toàn thể các em học sinh của trường. Gặp trực tiếp chúng tôi, chia sẻ tâm sự đầy ấp ủ, cô Nguyễn Thị Kiều, hiệu trường trường không khỏi bùi ngùi, xúc động. Ngôi trường cấp 4, trang thiết bị vẫn còn sơ sài, nhưng đó lại là một công trình vĩ đại, một niềm hạnh phúc lớn đối với thầy trò cũng như người dân nơi đây. "Dù chưa có điện, không có nước nhưng có mái nhà che nắng che mưa kiên cố như thế này là thầy trò tôi mừng lắm rồi, chứ như năm trước, vừa học vừa lo trường đổ cô ạ". Học sinh của chúng tôi được học trong một ngôi trường khang trang, đầy đủ tiện nghi, được trang bị tất cả máy móc và chương trình học của nước ngoài, chợt thấy chạnh lòng và nghĩ về những giá trị đích thực của cuộc sống, thương thầy cô và các em học sinh nơi đây vô cùng. Chẳng mấy khi tiếp xúc với người lạ nên các em học sinh còn rụt rè lắm. Phải mất một lúc trò chuyện, chúng tôi mới tiếp cận được với các em. Khi đã quen thì các em gần gũi và cởi mở lắm.

Ấn tượng đầu tiên và có lẽ gây xúc động nhất với tôi đó là hình ảnh đôi dép tổ ong dưới chân các em. Trong cái rét cắt da cắt thịt đến nỗi người lớn còn không chịu nổi nhưng các em vẫn đang đùa giỡn với nhau trên những đôi dép tổ ong cũ rách cùng với những bộ quần áo mỏng manh. Đến cái ăn các em còn chưa đủ no thì làm sao dám nghĩ đến giày đẹp để đi. Chủ động tham gia chơi đùa, Đạt chỉ cho các bạn kiến thức về công nghệ qua chiếc Ipad mượn từ chú đạo diễn trong đoàn làm phim. Hình ảnh những học sinh dân tộc nghèo chúi đầu vào chiếc Ipad trên tay một cậu bé thành phố lại một lần nữa gây cho ta nhiều xúc cảm. Nụ cười của những đứa trẻ dường như xóa nhòa ranh giới giàu nghèo, thành phố và nông thôn. Không còn khoảng cách, không còn sự ngại ngùng, chỉ còn đó những yêu thương và chia sẻ. Rồi ngày mai, khi trở lại phố thị, về với ngôi trường đẹp như tranh vẽ, Quang Đạt chắc hẳn sẽ có rất nhiều chuyện để kể với các bạn của mình. Và tôi tin rằng chuyến đi này đã cho con nhiều kỷ niệm, ánh mắt yêu thương của con dành cho các bạn học sinh trường Tiểu học Nà Lốc làm nên cái kết đẹp của một buổi chiều đông giá rét. IMG_0908

Cảnh quay cuối cùng kết thúc, chúng tôi ra về mà trong lòng còn lưu luyến... Đối với tôi, đây thực sự là một chuyến đi thú vị và đầy cảm xúc. Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi chạy trốn hiện tại, để  tìm về bản ngã của chính mình. Và trong phút chốc đó, tôi lại được là tôi. Nà Lốc ơi...hãy đợi chúng tôi nhé... sau "Winter Festival 2014", bánh xe Olympia schools cùng với quỹ "Bốn mùa yêu thương" sẽ mang nước lên với các bạn ... Chỉ còn 12 ngày nữa là "Winter Festival 2014" diễn ra rồi, chúng ta hãy tin tưởng vào một mùa lễ hội thành công để có thể chung tay giúp đỡ các bạn Trường tiểu học Nà Lốc nhé...