Nghiên cứu khoa học, bạn đã thử chưa?

"Đó là một ngày như mọi ngày, chúng tôi tung tăng vào lớp thì bắt gặp dòng chữ đầy uy lực trên bảng: Nghiên cứu khoa học! Cả lớp đều hoang mang vì chưa bao giờ làm quen với hình thức học tập này. Nhưng rồi được cô Tâm Hiền hướng dẫn từng bước, chúng tôi tự tin bắt tay vào công việc." - Nguyễn Trường Thảo Nguyên, lớp 7C2 chia sẻ.

Hình thức Nghiên cứu khoa học đã rất quen thuộc với sinh viên Đại học, các cấp học cao hay trong các hội nghị nay đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại cấp trung học. Yêu cầu thực hiện bao gồm các bước theo đúng trình tự: lựa chọn đề tài, xây dựng đề cương, triển khai viết và thuyết trình, bảo vệ nghiên cứu. Người viết, song song với quá trình này, phải liên tục tìm hiểu thông tin và chỉnh sửa theo sự hướng dẫn của giáo viên.

Kết thúc term 2, thay vì thực hiện bài kiểm tra viết môn Ngữ văn, các bạn học sinh khối 7 đã thực hiện một bài nghiên cứu khoa học theo nhóm 2 người. Với chủ đề chung là thơ Đường, các bạn tự chọn cho mình một hướng nghiên cứu riêng như: Nỗi nhớ quê nhà, hình ảnh sông núi, hình ảnh rượu, ly biệt, quái đản phái,.. trong các tác phẩm văn học.

Cô Tâm Hiền hướng dẫn các bạn thực hiện nghiên cứu khoa học

Cô Tâm Hiền, giáo viên môn Ngữ văn, người ứng dụng hình thức báo cáo sản phẩm này vào môn học chia sẻ: "Với học sinh lớp 7, thực hiện một báo cáo khoa học dài từ 10-15 trang sẽ phù hợp với khả năng của các con. Nghiên cứu khoa học phải có đủ lời mở đầu, nội dung chính, lời kết và tài liệu tham khảo như một báo cáo thông thường. Điều này sẽ giúp các con không còn bỡ ngỡ khi viết những bài nghiên cứu ở bậc học cao hơn với các dẫn chứng, lý lẽ, kết cấu chặt chẽ". Cô cũng chia sẻ thêm, thật thú vị khi nhận thấy rằng, đề tài các con lựa chọn có phần nào đó tương đồng với tính cách của các con.

Các bạn lớp 7C2 hào hứng với phương pháp học mới này.

Bạn Đào Quang Minh ấn tượng nhất là buổi báo cáo sản phẩm. Các bạn không những thuyết trình mà còn vận dụng hết kiến thức tìm hiểu được để bảo vệ sản phẩm trước hội đồng ban giám khảo là các bạn trong lớp và các thầy cô giáo của những môn học khác nhau. "Có những lúc bối rối vì không hiểu nghĩa thơ Đường, có khi miệt mài đọc tài liệu trong đêm, có giây phút tranh cãi quyết liệt với người bạn đồng hành và không biết bao ngày viết và sửa bài… Chúng tôi cũng hiểu rằng nghiên cứu khoa học cần sự nghiêm túc thực sự, ý thức mở rộng tri thức, sẵn sàng hợp tác và nhất là tinh thần say mê nghiên cứu" - Thảo Nguyên kể lại.