Trải nghiệm rủi ro, dạy con vượt qua mọi thử thách

"Một giờ chơi đùa còn hiểu nhau hơn cả một năm trò chuyện", Plato.

risks are essential guardian

"Những trò chơi mạo hiểm, có thể liên quan tới nghịch ngã, độ cao, tốc độ, chơi gần những nơi nguy hiểm như nước, vách núi và tự khám phá một mình mang tới cho trẻ cảm giác phấn khích và vui sướng" (Theo báo cáo APPG). Rủi ro là một nhân tố quan trọng cho một tuổi thơ cân bằng. Đối diện với các rủi ro, đặc biệt là về thể chất khiến trẻ được trải nghiệm sự sợ hãi và ý thức được điểm mạnh và hạn chế của cơ thể mình.

Tuy nhiên, trước khi "quăng" trẻ vào những trải nghiệm đó, chúng ta có rất nhiều điều phải chuẩn bị. Với thế hệ trẻ em ngày nay, thế hệ lớn lên trong nhung lụa, trong những không gian "vô trùng" chỉ đi từ nhà tới trường, từ trường về nhà, chơi ở câu lạc bộ trường rồi về tỉ mẩn trên ghế sofa, các bậc phụ huynh còn phải nỗ lực chuẩn bị nhiều trước khi cho trẻ ra trải nghiệm ở những không gian thực tế nhiều rủi ro hơn. Không có cha mẹ nào thực sự muốn con mình phải đối diện với nguy hiểm, dù chỉ là chút ít.

Tuy nhiên, chính sự bao bọc của cha mẹ lại khiến cho trẻ khát khao được trải nghiệm những tình huống rủi ro hơn, thể hiện rõ trong cơn nghiện game nhập vai kịch tính. Trên thực tế, con người được thiết kế để trải nghiệm một số cấp độ sợ hãi nhất định - hoặc là trẻ được trải nghiệm ngoài đời thật, hoặc là chúng sẽ đi tìm kiếm nó ở một đâu đó, trên internet hay qua những hành vi tự huỷ hoại bản thân mình. Vậy thì làm thế nào để chúng ta tái sắp xếp những nguy hiểm và sự hứng thú cần thiết đó vào lại trong cuộc sống của những đứa trẻ đang được bọc nhung đó? Câu trả lời hãy làm dần dần từng bước và phù hợp với từng lứa tuổi.

Đầu tiên, hoạt động ngoài trời là chìa khoá quan trọng. Hãy cho trẻ được sinh hoạt cả bên ngoài trời chứ không phải chỉ gói bọc trong môi trường chơi quá an toàn và bị kiểm soát. Hãy khuyến khích trẻ khám phá xung quanh trong một khu có rào chắn và cho phép con được đi ra khỏi tầm mắt của cha mẹ một chút. Những khoảng thời gian không kiểm soát, dù chỉ ở trong vườn nhà, cũng có thể gây ra những phiền phức hay xung đột nhỏ giữa đám trẻ, nhưng chính những điều này lại dạy cho trẻ cách ra quyết định khi gặp rủi ro. Học cách châm lửa cũng là một thời điểm bước ngoặt ở trẻ. Từ tuổi lên ba, các con đã có thể bắt đầu học cách thêm bớt củi để giữ lửa dưới sự giám sát và hướng dẫn của người lớn. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trẻ vui sướng và chăm chút ngọn lửa như thế nào.

Bên cạnh đó, nước cũng là một yếu tố rủi ro cần thiết cho trẻ trải nghiệm. Cho các con mặc nguyên quẩn áo lội suối hay chơi ngoài biển, để chúng chơi đùa trên bờ cát hay thậm chí có thể bơi ngoài sông. Trong những chuyến đi xa bằng đường bộ, bạn thậm chí còn có thể dừng lại chỉ cho con xem và cho con chơi một chút ở dòng suối bên đường.

Nhiệm vụ của người lớn lúc này là canh chừng thuỷ triều hay tìm những khu vực an toàn cho con bơi, rồi sau đó đứng sang một bên để con tự ra quyết định của chính mình. Và những quyết định này hiển nhiên là khác nhau với từng đứa trẻ. Một số môn thể thao thử thách cũng là cách an toàn để giúp trẻ "học" về nỗi sợ. Cưỡi ngựa, trượt băng, trượt ván hay chỉ đơn giản là trèo cây, leo núi.

Một lúc nào đó các con sẽ bị ngã, sẽ bị đau, sẽ cảm thấy mất kiểm soát. Nhưng rồi, khi thoát khỏi khó khăn đó, chúng sẽ ồ lên và cảm thấy "mình sống rồi". Trách nhiệm cho trẻ trải nghiệm sự rủi ro này không chỉ là của cha mẹ mà còn là của trường học, của cách thiết kế sân chơi trong xã hội. Cha mẹ và các bên liên quan cần phải làm việc với nhau để trẻ con có một tuổi thơ thực sự, một tuổi thơ mà những vấp ngã hay hốt hoảng nhất thời là điều bình thường và cần thiết. Để rồi sau đó, chúng ta - những bậc làm cha làm mẹ - có thể tự tin rằng, bộ radar định vị rủi ro của trẻ hoạt động tốt và con sẽ dần lớn lên dần vượt qua từng nỗi sợ.