Học lịch sử kiểu Olympia: Bạn sẽ làm gì để trở thành Đại sứ Văn hoá Việt Nam

Kết thúc Term 4 năm học 2015-2016, học sinh Olympia làm bài thi môn Lịch sử theo dạng thức đề thi mới bao gồm 2 nội dung: đọc hiểu văn bản và tự luận. Trong đó, với phần tự luận, học sinh cần vận dụng kiến thức và tư duy ngôn ngữ để trình bày một vấn đề lịch sử.

"Cấu trúc đề thi mới đã mang lại những hiệu quả nhất định. Nhiều bài thi đưa ra những đánh giá, nhận định cá nhân khá sắc sảo. Các con có cơ hội thể hiện kiến thức của bản thân, không chỉ tích lũy qua sách vở mà còn là quá trình thu thập thông tin từ cuộc sống", cô Trần Vân Khánh - giáo viên Lịch sử chia sẻ.

Dưới đây là một bài kiểm tra được đánh giá tốt của lớp 10X:

Nếu là một đại sứ văn hóa Việt Nam, em sẽ làm gì để bảo tồn giá trị truyền thống trong cơn bão văn hóa hiện nay với lớp trẻ.

Trong hơn 2000 năm dựng nước, trải qua bao nhiêu thăng trầm ngày hôm nay, Việt Nam đã và đang là một quốc gia không những phát triển mà còn có một nền văn hóa với bề dày của lịch sử. Một trong những ví dụ điển hình là trống đồng Đông Sơn với những hình ảnh phản ánh cuộc sống từ thời vua Hùng. Và trong quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, những lần hợp tác với các quốc gia khác chiếm vai trò rất quan trọng. Bên cạnh việc được tiếp cận, cập nhật văn hóa thế giới một cách tích cực thì một bộ phận nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng quên đi chính văn hóa nước nhà, thay vào đó là tiếp nhận những văn hóa ngoại lai.

Hiện tượng bên trên có tên gọi là “cơn bão văn hóa”. Những trào lưu văn hóa ngoại lai có thể đổ bộ vào lãnh thổ Việt Nam một cách bất ngờ và bào mòn, cuốn đi những giá trị văn hóa của chúng ta. Vậy với tư cách là một trong những người thuộc giới trẻ như tôi và các bạn, chúng ta có thể làm gì? Đầu tiên, trong xã hội và nhà trường, mỗi học sinh cần phải tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho chính những đồng bào đang hàng ngày ngồi cùng phòng, học cùng một tòa nhà với mình. Việc làm các áp phích, băng rôn, khẩu hiệu hay làm những website, trang thông tin trên mạng để tuyên truyền là việc mà chỉ với một số thao tác đơn giản thì ai cũng có thể làm được.

Thứ hai, khi nhìn vào một trào lưu văn hóa, chúng ta nên có một cái nhìn tổng quát về nó. Nguồn gốc xuất xứ trong nội dung văn bản hay mục đích của trào lưu là những thông tin rất hữu ích. Ta có thể thấy, bên cạnh những trào lưu hay, ý nghĩa như “heforshe” - được tạo nên nhằm bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ thì lại có rất nhiều trào lưu vô nghĩa, thậm chí là lố bịch như ăn ngô bằng máy khoan hay Kisscam,...Thứ ba, mỗi chúng ta nên thay đổi nhận thức và cách tiếp nhận kiến thức về văn hóa nước nhà qua các môn học như văn học và lịch sử.

Trong từng con chữ, các tác giả Việt Nam đã phần nào thể hiện tư tưởng của mình cũng như tư tưởng chưa thực tế của thời đại. Ví dụ như tác phẩm “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương viết về thân phận bảy nổi ba chìm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Còn với “lịch sử” thì đây là một bộ môn giúp chúng ta có cái nhìn chân thực về quá trình hình thành và phát triển của loài người. Như vậy, việc tiếp nhận, hưởng ứng những trào lưu là một nét đẹp văn hóa nhưng vì tiếp nhận mà tự bào mòn giũ bỏ văn hóa nước nhà là một thảm họa. Do đó mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ phải biết nhận thức, gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống chính là một biện pháp để bảo vệ độc lập.

Lê Minh Đức

 

Bạn Lê Minh Đức - Lớp 10X