Hội thảo phát triển bền vững ESDC 21

Ngày 20/5/2016 vừa qua, học sinh khối 10 trường PTLC Olympia đã tổ chức thành công Hội thảo Năng lượng và Phát triển bền vững với sự tham gia của PGS.TS Trần Đăng Ninh (ĐH Sư phạm HN), cô Phạm Thị Minh An (Hiệu trưởng trường THPT Olympia), cô Trần Thị Thuý Liên (trưởng khoa Tự nhiên trường Olympia) cùng các thầy cô và học sinh khối 7-12 trường Olympia.

 

Đặt vấn đề về nguồn năng lượng không tái tạo hiện đang được sử dụng quá đà, gây mất cân bằng sinh thái và tạo ra những hiểm hoạ về môi trường, cuộc sống của con người trong tương lai, các “nhà nghiên cứu" đã lần lượt trình bày 5 tham luận:

  • Bản chất và vai trò của năng lượng
  • Năng lượng không tái tạo
  • An ninh năng lượng và chủ quyền biển đảo
  • Phát triển bền vững
  • Các giải pháp cho các vấn đề nêu trên

 

Một trong những số liệu được đưa ra trong các bài tham luận là thống kê về thực trạng khai thác tài nguyên không tái tạo của một số quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam xếp thứ 36 về sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất thế giới. Việc sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch này được cho là nguyên nhân hàng đầu gây suy thoái môi trường, sản sinh ra nhiều CO2, góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, một số giải pháp đã được các bạn học sinh đưa ra thảo luận, từ cấp độ cá nhân đến cấp độ chính sách quản lý. Đặc biệt, trường hợp của Bhutan, một quốc gia nằm ở khu vực Tây Á, cũng được nhóm học sinh Nhữ Đức Minh, Vũ Thạch Anh đề cập đến.

PGS.TS Trần Đăng Ninh (Khoa Hoá, ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, “hiện nay còn rất nhiều trường đang gặp khó khăn trong việc triển khai học tập tích hợp, nhưng hôm nay tại Olympia hôm nay, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều vấn đề hóc búa trong đời sống hàng ngày được học sinh trình bày mạch lạc, sâu sắc và có nhiều câu hỏi rất hay".

Hướng tiếp cận kiến thức thông qua hình thức nghiên cứu khoa học là một trong những phương pháp thường xuyên được áp dụng tại Olympia trong các môn thuộc cả khối tự nhiên và xã hội. Cô Trần Thị Thuý Liên (trưởng khoa Tự nhiên) cho biết, ngoài hoạt động dạy học trải nghiệm, trong những buổi hội thảo khoa học như thế này, học sinh đã thực sự trao đổi, thảo luận, phản biện nhau với tinh thần khoa học thực sự".

Học sinh Lê Minh Đức tham gia trình bày tham luận về An ninh năng lượng và Chủ quyền biển đảo chia sẻ, khó khăn nhất là tìm được nguồn tư liệu chính xác và đầy đủ căn cứ về chủ đề này.

Cách học tập dự án như thế này đã khơi dậy nhiều hứng khởi với bộ môn của nhiều bạn học sinh, ví dụ như nhóm học sinh lớp 8 đã tự xin được tham dự hội thảo và đặt rất nhiều câu hỏi chất lượng cho nhóm trình bày tham luận.