Trường Olympia tổ chức Hội thảo Quốc tế “Tư duy mới về giáo dục trong bối cảnh toàn cầu”

Ngày 19/3/2018, tại Olympia, Hội thảo Quốc tế “Tư duy mới về giáo dục trong bối cảnh toàn cầu” đã được tổ chức thành công với sự tham dự của các diễn giả nổi tiếng như: Bee-Lee Chua, Quản lý khu vực của The College Board; Bà Sophia Paris, Giám đốc Phòng Giáo dục Quốc tế trường Miss Porter’s; Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc IEG, Tiến sĩ Đại học Stanford…

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều đại diện của các tổ chức giáo dục lớn trên địa bàn Hà Nội đến tham dự.

Hội thảo được mở đầu bằng phần phát biểu của Nguyễn Thu Yến, học sinh khối 11 Olympia: “Con thấy mình vô cùng may mắn khi được học tại một môi trường tuyệt vời như Olympia, nhưng con nghĩ rằng những thế hệ sau con sẽ cần nhiều hơn thế. Thời đại của thế hệ con đã thay đổi, chúng con có nhiều lựa chọn, nhiều con đường hơn nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng con gặp nhiều khó khăn hơn. Thế giới ngày mai mà chúng con làm chủ là một nơi mà tất cả mọi người ở đây không ai có thể biết chính xác nó sẽ như thế nào.” Đây cũng chính là tiếng nói đại diện cho thế hệ trẻ, cho lớp học sinh về những mong muốn ở nền giáo dục hiện tại và tương lai.

Các diễn giả khách mời đã đưa ra nhiều vấn đề cần giải quyết và các giải pháp hữu ích để đưa giáo dục hội nhập như tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu với các câu hỏi như: học sinh có thực sự đang cần mình? Học sinh Việt Nam cần gì trong môi trường Quốc tế? Tạo môi trường học tập để học sinh là trung tâm như thế nào? Ông đã đưa ra các tiêu chí cần và đủ để một nền giáo dục thực sự cất cánh với 5 yếu tố: Tầm nhìn, năng lực, động lực, tài nguyên, kế hoach. Đồng thời ông còn đưa ra nhiều khảo sát thú vị như: các kỹ năng của học sinh, sinh viên sau khi ra trường có và những kỹ năng nhà tuyển dụng yêu cầu…

Ngoài ra, Hội thảo còn có nhiều bài tham luận chất lượng như: “Báo cáo của trường PTLC Olympia về cách nhà trường chuẩn bị và triển khai chương trình hội nhập”; “Báo cáo số liệu về các kỳ thi chuẩn hóa SAT, AP... và xu hướng du học của học sinh thế giới và Việt Nam”, “Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng trong nhà trường phổ thông”, “Chia sẻ về xây dựng chương trình giáo dục hội nhập của trường Miss Porter’s”; chia sẻ về phương pháp giáo dục giúp học sinh hội nhập của trường Chu Văn An...

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các khách mời đến tham dự như ý kiến của đại diện trường Ngoại thương về việc để giúp học sinh hội nhập cần phải có một lộ trình an toàn giống như tạo ra một chiếc cầu vững chãi đưa học sinh tiến dần đến hội nhập như vậy học sinh mới tránh bị “sock” văn hóa. Một vị phụ huynh của trường Olympia cũng đưa ra vấn đề cần phải có sự định hướng rõ ràng trong việc giáo dục học sinh trong thời đại 4.0 để tránh bị ảnh hưởng bởi những điều không tốt từ mạng xã hội…

Kết thúc Hội thảo, bà Phạm Thị Minh An, Tổng hiệu trưởng trường Olympia chia sẻ rằng hội thảo này sẽ là mở đầu cho những buổi tọa đàm, hội thỏa tiếp theo và là diễn đàn dành cho những nhà giáo dục tâm huyết chia sẻ nhưng phương pháp giảng dạy, quản lý, đồng thời sẽ là cơ hội học hỏi và tìm sự kết nối với những tổ chức giáo dục hàng đầu trên thế giới; mang lại những chương trình học thực sự chất lượng cho học sinh Việt Nam.