US Trip 03

Đi du học nghĩa là không còn cảnh ngồi chơi, đợi đến bữa ăn có người gọi mà chúng tôi phải tự đi chợ và nấu ăn. Có người sẽ cho rằng ở Mĩ đầy cửa hàng Fastfood (đồ ăn nhanh) vừa nhanh lại vừa rẻ thì việc gì phải đi chợ nấu nướng cho mất công chứ.

Đúng là Fastfood tiện thì có tiện nhưng rẻ thì chưa chắc. Cứ cho mỗi bữa cho 1 người hết 5 đô, ngày 2 bữa thì sau 1 tuần cũng hết đến 70 đô vậy mà cũng với 70 đô đó, trong 1 tuần đó, nếu biết cách đi chợ và tự chế biến sẽ cung cấp đủ cho 4 người. 

Đó là lí do dù vừa tốn thời gian, vừa tốn công sức nhưng tự nấu ăn là việc không thể tránh được đối với những bạn học sinh đang đi du học mà không dư dả tiền tiêu. Việc đầu tiên phải làm là tính toán lượng tiền chi tiêu cho mỗi tuần để phù hợp với “ngân sách” đã được cấp. Nhóm tôi có 4 người được tổng cộng $800 để chi tiêu vào ăn uống cho suốt một khóa học này; thế nên nếu tính toán không cẩn thận sẽ phải gặp rắc rối khi ngân sách bị vượt quá. Việc tính toán sẵn này sẽ quyết định số lượng thức ăn cần mua cho từng đợt, vì làm bếp trưởng kiêm “kế toán” nên tôi phải đảm nhận hết những công việc này.

Mỗi tuần cả nhóm đi mua sắm một lần. Chúng tôi tìm đến một cửa hàng Việt Nam. Thật may mắn cho chúng tôi là bang Florida có khá nhiều người Việt nên việc tìm ra một cửa hàng bán thực phẩm châu Á không khó lắm. Tại đây, chúng tôi mua gạo, nước mắm, rau và một vài nguyên liệu chế biến sẵn đặc trưng của Việt Nam còn riêng thịt thì chúng tôi phát hiện ra rằng mua tại các siêu thị của Mĩ thì sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn.

supermarkets-new-culinary-schools-ftr

Trước đây cũng từng là một du học sinh Việt Nam tại Mỹ, cô Hạnh – Giám đốc chương trình phát triển toàn diện – đã huấn luyện chúng tôi trong ba ngày và truyền lại cho chúng tôi những bí quyết đi chợ tiết kiệm nhất. Chúng tôi đã hiểu rằng với một du học sinh thì không thể đòi hỏi một bữa ăn đắt tiền được nên khi đi mua đồ chúng tôi thường so sánh chọn những món hàng có mác « on sale » để mua vì tuy những món đồ này không ngon nhất nhưng ‘sinh viên’ chúng tôi chỉ cần chất lượng và đảm bảo hạn sử dụng thôi. Có một điều đáng lưu ý nữa là những đồ ăn được chế biến sẵn thường đắt hơn vì giá dịch vụ khác cao. Bởi lẽ đó, thay vì chọn một gói xúc xích cắt sẵn, chúng tôi đã mua cả cái to về nhà rồi tự thái ra đã giúp tiết kiệm được khá là nhiều.

Mỗi lần đi chợ, chúng tôi thường mua thức ăn cho cả tuần về rồi để ngăn đá, khi nào dùng thì cho vào lò vi sóng rã đông và sẽ chế biến như bình thường. Thỉnh thoảng Vũ Minh còn mua pizza làm sẵn, về chỉ cần cho vào lò nướng lên là xong. Đối với chúng tôi, giá $5 cho 4 cái pizza có thể ăn được hai bữa là quá hời vì món ăn này vừa tiện lại vừa giúp chúng tôi đổi món sau những bữa ăn Việt Nam tự nấu. Tuy nhiên việc đi chợ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tuần trước, cả nhóm đi chợ đã hí hửng xách về nhà được một cái chân giò rất to đủ cho việc nấu tất cả các món trong 6 bữa mà chỉ có $12.

Thế nhưng khi về mở túi bọc ra để cắt nhỏ, cho vào ngăn đá thì thôi rồi...cái chân giò bốc mùi thật kinh khủng. Lần đâu tiên gặp tình huống khó nhằn như thế này với những đứa con trai chúng tôi, mọi người phải email về nhà tham vấn cô Hạnh và thế là cả bọn lại phải vất vả mang ra tận siêu thị để trả. Thật may mắn là tiền được hoàn lại đủ để mua một cái chân giò khác còn to hơn cái trước nhưng lần này đã có kinh nghiệm nên chúng tôi kiểm tra mùi trước khi mua rồi. Thật là hú vía... Công việc nhà trong nhóm được mọi người phân chia rõ ràng.

Thường thường tôi và Minh sẽ nấu ăn còn Giang và Đức phụ trách dọn dẹp nên mọi người ai nấy đều tự giác làm công việc của mình và không có chuyện người thì làm việc còn có người chơi không. Sau ba tuần, trong con mắt chúng tôi việc nấu ăn đã không còn mất thời gian và nhàm chán vì nhờ tự tập nấu ăn phục vụ bản thân mà chúng tôi sống sót qua 2 tuần đầu mà không bị cháy ví lại còn vẫn đủ dinh dưỡng để vừa học vừa hoạt động thể thao. Từ nơi chúng tôi ở mất khoảng 30’ để đi xe bus đến chợ Việt Nam.